Chào ông!
Với thông tin ông cung cấp Luật sư Dương Văn Mai, Công ty Luật Bách Dương, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn giúp ông như sau:
Việc anh trai ông chết mà không để lại di chúc thì toàn bộ tài sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp của anh trai ông sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, theo quy định tại Điều 675 Bộ luật Dân sự năm 2005:
"Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế."
Trường hợp chia thừa kế theo pháp luật thì cần phải xác định được những người thừa kế và hàng thừa kế, theo thông tin ông cung cấp thì những người thừa kế của anh trai ông sẽ gồm: vợ hai, các con đẻ của lần kết hôn trước, các con đẻ của lần kết hôn thứ hai của anh trai ông. Điều 676 Bộ luật Dân sự quy định về người thừa kế theo pháp luật:
"Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Trong trường hợp này do một cháu trai của ông đã chết nên sẽ phát sinh thêm quan hệ thừa kế thế vị đối với cháu nội của anh trai ông, theo quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự thì cháu nội của anh trai ông sẽ là người được hưởng di sản thừa kế của anh trai ông dưới hình thức là người thừa kế thế vị.
"Điều 677. Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."
Về nguyên tắc các người thừa kế có thể thỏa thuận việc ai là người quản lý, sử dụng di sản thừa kế và tỷ lệ mỗi người được hưởng trong khối di sản. Nên nếu tất cả những người thừa kế của anh trai ông đều đồng ý với phương án như ông nêu thì phải thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế sau đó để một người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp không thể thỏa thuận được về việc phân chia di sản thừa kế thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh trai ông có quyền khởi kiện một vụ án dân sự để yêu cầu tòa án thực hiện việc phân chia di sản thừa kế.
Trên đây là một số nội dung tư vấn của luật sư để ông và gia đình cùng tham khảo, nếu còn vướng mắc hoặc cần giúp đỡ ông có thể tiếp tục gửi câu hỏi về diễn đàn để được các luật sư cùng tư vấn hoặc nghe tư vấn trực tiếp từ luật sư tại Công ty Bách Dương qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006281 nhánh số 3.
Chúc ông mạnh khỏe và đại gia đình sẽ sớm giải quyết được sự việc.