Chào em!
Về nội dung em hỏi Luật sư Dương Văn Mai, Công ty luật Bách Dương, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trả lời như sau:
Căn cứ Điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2015 về Đặt cọc thì:
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Bản chất của việc đặt cọc là hướng đến một giao dịch trong tương lai, áp dung với trường hợp của em thì giao dịch trong tương lai là việc thuê phòng trọ.
Mặc dù em có lý do của mình khi không thể đến phòng trọ thuê nữa nhưng đó là lỗi của em nên việc chủ nhà trọ có giao lại tiền cho em hay không thì hoàn toàn là ý chí của người đó. Vì trong trường hợp này em đã vi phạm hợp đồng đặt cọc.