Công việc yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động là danh mục những công việc đòi hỏi phải đảm bảo tuân theo tiêu chuẩn về An toàn vệ sinh lao động. Dựa vào mức độ và môi trường làm việc, nhận thấy rằng mỗi công việc có đặc thù riêng trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) bao gồm mọi vấn đề liên quan đến an toàn, sức khỏe và phúc lợi người tham gia vào công việc hoặc việc làm. Quy định về việc đảm bảo AT-VSLĐ đã được ban hành trong Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13. An toàn vệ sinh lao động nhằm bảo đảm sức khỏe cho người lao động, cải thiện điều kiện môi trường làm việc. Từ đó, phòng tránh tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp.
Nếu Doanh nghiệp bạn sản xuất linh kiện điện tử, trong nhà máy có 1 số "máy nén khí" và công nhân vận hành máy này thuộc diện công việc có yêu cầu cao về an toàn lao động thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Thông tư 15/2016/NĐ-CP thì Công ty bạn phải đảm bảo nguyên tắc xếp lương theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP như sau:
”3. Mức lương thấp nhất (khởi điểm) của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh, trong đó:
a) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
b) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
c) Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.”
Như vậy, đối với công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Ngoài ra, Công ty bạn phải bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động nếu làm các công việc nặng nhọc, độc hại. Mức bồi dưỡng bằng hiện vật được quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH như sau:
– Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:
+ Mức 1: 10.000 đồng;
+ Mức 2: 15.000 đồng;
+ Mức 3: 20.000 đồng;
+ Mức 4: 25.000 đồng.
Như vậy Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH quy định rõ, bồi dưỡng hiện vật được tính theo suất ăn hàng ngày, phải được thực hiện trong ca làm việc, phải đảm bảo vệ sinh, không được trả bằng tiền hay bằng lương thay cho hiện vật bồi dưỡng. Do đó công ty có trách nhiệm bồi dưỡng bằng suất ăn theo định mức cụ thể từ mức 1 đến mức 4 theo quy định trên. Do đó, công ty không hỗ trợ suất ăn hàng ngày cho người lao động là vi phạm quy định pháp luật.
Việc xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật cụ thể theo điều kiện lao động và chỉ tiêu môi trường lao động được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH.