Trường hợp này Tòa án trả lời bạn về việc không có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án dân sự là sai. Bộ luật TTDS năm 2004 quy định các trường hợp, thẩm quyền và người có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ Điều 99, Điều 100 và Điều 102 Bộ luật Tố tụng Dân sự với nội dung chi tiết dưới đây.
Điều 99. Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 162 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Toà án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.
2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Toà án đó.
3. Toà án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại Điều 119 của Bộ luật này.
Điều 100. Thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên toà do một Thẩm phán xem xét, quyết định.
2. Việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên toà do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Điều 102. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.
3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.
4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
5. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.
6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.
7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác.
10. Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.
11. Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.
12. Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.
13. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định.
Bên cạnh quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối Cao còn ban hành Nghị quyết 02/2005/NQ- HĐTP để hướng dẫn chi tiết.
Như thông tin bạn nêu thì trong quá trình chuẩn bị xét xử thẩm phán của Tòa án này đã có một số vi phạm có thể gây thiệt hại cho bạn và gia đình cũng như quá trình giải quyết vụ án nên bạn và gia đình với tư cách là đương sự có quyền khiếu nại đến Chánh án tòa án nơi thẩm phán đó đang công tác để bảo vệ quyền lợi của gia đình bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư Dương Văn Mai, Công ty Luật Bách Dương, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho trường hợp của bạn. Nếu còn vướng mắc bạn có thể tiếp tục gửi câu hỏi về diễn đàn hoặc nghe tư vấn trực tiếp từ luật sư tại Công ty chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006281 nhánh số 5.
Chúc bạn mạnh khỏe và thành công!