Trong trường hợp của bạn, bạn không thể tự mình đi chốt sổ BHXH của mình được mà bắt buộc là bên Công ty A thực hiện thủ tục chốt số theo quy định tại điểm b khoản 1.2 Điều 34 Quyết định 959/QĐ- BHXH ngày 09 tháng 09 năm 2015 quy định về đơn vị sử dụng lao động, UBND xã, Đại lý thu và cơ quan quản lý đối tượng:
“Điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng:
a) Kê khai, lập hồ sơ điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN; tăng, giảm lao động, mức đóng, số tiền phải đóng; truy thu, hoàn trả; thay đổi, điều chỉnh thông tin đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với đơn vị, người lao động; nộp hồ sơ kịp thời cho cơ quan BHXH để xác định số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN; cấp, ghi, xác nhận, chốt sổ BHXH, thẻ BHYT đối với đơn vị, người tham gia và đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, đúng thời hạn.
b) Phối hợp với cơ quan BHXH xác nhận, chốt sổ BHXH cho người lao động khi người lao động chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội của người lao động. Vậy, bạn không thể tự đi chốt sổ cho mình được.
Chế độ thai sản cho lao động nữ sinh con cũng nhằm mục đích hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập khi họ nghỉ việc để sinh con do đó, khoản tiền đó không có nghĩa vụ thực hiện bất kỳ một khoản chi phí nào. Việc công ty giữ tiền bảo hiểm và trả lời là đợi khi chốt sổ xem có cần thêm chi phí gì thì sẽ trừvà đợi đến khi chốt sổ mới thanh toán cho bạn là sai quy định. Trong trường hợp này bạn có thể khiếu nại theo trình tự quy định tại Điều 119 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
“1. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
2. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì người khiếu nại có quyền lựa chọn một trong hai hình thức sau đây:
a) Khiếu nại lần đầu đến cơ quan, người đã ra quyết định hoặc người có hành vi vi phạm. Trường hợp cơ quan, người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết;
b) Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp người khiếu nại được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.”
Theo đó, khi người lao động không đồng ý với quyết định của người sử dụng lao động về bảo hiểm xã hội thì có thể lựa chọn một trong hai cách là : khiếu nại đến người sử dụng lao động hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.