Chào bạn!
Tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của bạn! Tôi xin trả lời bạn như sau:
1. Điều 106 Luật đất đai 2003 và khoản 3 điều 103 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/01/2006), quy định: “Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất như sau: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa nước”. Do vậy, nếu bạn không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa nước. “Khoản nhỏ” mà cán bộ địa chính nói là rất mập mờ, khó hiểu. Nếu bạn không đủ điều kiện nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa nước (có hộ khẩu ở địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp) theo quy định pháp luật thì dù có “khoản lớn” thì bạn cũng không thể đứng tên hợp pháp.
2. Bạn có thể nhờ bác của bạn đứng tên cũng được nhưng bạn cần lập một biên bản thỏa thuận giữa bạn và bác bạn với nội dung nhờ đứng tên trên giấy chứng nhận. Bạn cần giữ cẩn thận Biên bản phân chia đất của gia đình bạn và biên bản thỏa thuận nhờ bác đứng tên để đảm bảo quyền lợi của bạn nếu tranh chấp xảy ra.
3. Bạn cũng cần lưu ý là pháp luật quy định QSD đất nông nghiệp là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của hộ gia đình. Nếu một người chết thì phần của họ thành di sản thừa kế. Thành viên của hộ gia đình có quyền thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp.
4. Hộ khẩu không phải là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà đất (chỉ là giấy tờ ghi nhận nơi cư trú). Bạn cần xem lại xem nguồn gốc nhà đất mà nội bạn đang ở là do cha ông lâu đời để lại, nội bạn mua hay nhà nước chia đất cho hộ gia đình? Để xác định bố bạn có phần quyền tài sản đối với nhà đất đó không (nếu có thì có thể yêu cầu chia thừa kế của bố bạn)? Ông nội (hoặc bà nội bạn) còn sống không? Nếu một người đã chết thì đã quá 10 năm chưa (để yêu cầu chia thừa kế nhà đất vì bố bạn sẽ có phần trong đó)…
5. Nếu mẹ con bạn có chứng cứ chứng minh được là đã bỏ tiền ra tu sửa, nâng cấp ngôi nhà thì phần tài sản đó thuộc về mẹ con bạn. Số tiền mà mẹ bạn bỏ ra để chi tiêu gia đình thì không được quyền đòi lại vì đó là nghĩa vụ nuôi dưỡng của mẹ bạn đối với nội và anh chị em bạn. Tuy nhiên nếu có tranh chấp đến nhà đất thì công sức duy trì tu tạo tài sản của mẹ bạn cũng có thể được Tòa án xem xét.
Chúc bạn may mắn. Nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan pháp sinh hãy liên hệ với tôi để tư vấn miễn phí.
Thân ái!