Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau thì người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi:
“1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.”
Như vậy, người bị bệnh hiểm nghèo, nếu có xác nhận mắc bệnh của cơ quan y tế thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì người lao động đó đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh dài ngày Khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
Căn cứ Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau:
“1. Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này được thay bằng bản dịch tiếng Việt của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
3. Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lao động lập.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện và các mẫu giấy quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 101 của Luật này”.
Căn cứ Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về giải quyết hưởng chế độ ốm đau:
“1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động”.
Căn cứ Điều 8 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 về hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ ốm đau
“1. Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 100 và Điều 102 của Luật bảo hiểm xã hội.
2. Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100 của Luật bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc”.
Như vậy, để được hưởng chế độ ốm đau thì cần nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 100 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và phải nộp trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, bạn phải nộp hồ sơ theo Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 8 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015. Sau đó, trong thời gian luật định thì người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết cho người lao động.
Trường hợp bạn hỏi và bạn có thắc mắc hay vấn đề gì để làm sáng tỏ thì hãy liên lạc trực tiếp với tôi theo số ĐT: 097894377 để được tư vấn cụ thể hơn.
Trân trọng