Chào bạn!
Về trách nhiệm dân sự của bạn căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể, bao gồm thiệt hại về sức khỏe và có thể cả tài sản.
Điều 609 Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:
1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a, Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Điều 608. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:
1. Tài sản bị mất;
2. Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;
4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Trường hợp phía người bị thiệt hại cũng có lỗi thì bạn chỉ phải bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của mình gây ra. Các chi phí bồi thường này, nếu phía nạn nhân yêu cầu phải có giấy tờ, chứng từ, hóa đơn và cơ sở thực tế để chứng minh.
Về việc xử lý trước pháp luật thì nếu cơ quan công an xác định có dấu hiệu hình sự thì sẽ tiến hành khởi tố vụ án. Nếu vụ việc chưa tới mức khởi tố về hình sự thì bên nào vi phạm luật giao thông có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật.
Thân ái!