Chào ông Nông Văn Bảy!
Liên quan nội dung ông hỏi Luật sư Dương Văn Mai, Công ty luật Bách Dương, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tư vấn cho ông như sau:
Trước hết về việc khám xét chỗ ở, chỗ làm việc của công dân được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau:
Điều 140. Căn cứ khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm
1. Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã.
2. Khi cần phải thu thập tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm.
Cơ quan chức năng chỉ được áp dụng biện pháp khám người, chỗ ở, chỗ làm việc... khi có các căn cứ quy định tại Điều 140 với nội dung như trên.
Việc khám chỗ ở phải được thực hiện theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự với nội dung chi tiết dưới đây:
Điều 143. Khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm
1. Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được tiến hành theo quy định tại các điều 140, 141 và 142 của Bộ luật này.
2. Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.
3. Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
4. Khi khám chỗ làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Việc khám chỗ làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến.
5. Khi tiến hành khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong.
Với các thông tin ông cung cấp thì rõ ràng trong trường hợp này việc khám chỗ ở, khám nhà đã vi phạm các quy định trên.
Hành vi của người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội xâm phạm chỗ ở của công dân được quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự, nội dung chi tiết dưới đây:
Điều 124. Tội xâm phạm chỗ ở của công dân
1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Ngoài ra nếu người này lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình khi thực hiện nhiệm vụ (nếu có) quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì họ còn có thể bị xem xét xử lý về tội phạm thuộc nhóm tội phạm về chức vụ.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và buộc người vi phạm phải chịu trách nhiệm tương ứng với hành vi của mình thì ông có thể gửi đơn tố cáo người đó đến Cơ quan điều tra công an, Viện kiểm sát nhân dân các cấp trước hết là địa phương nơi ông đang sinh sống để các cơ quan này xem xét giải quyết theo quy định chung.
Đối với người mất tài sản trong trường hợp này có nghi ngờ người thuộc gia đình ông trộm cắp tài sản của họ tuy nhiên nếu không có tài liệu chứng minh việc họ tố cáo ông thì rất khó để buộc tội họ cũng như buộc họ phải xin lỗi ông và gia đình.
Trên đây là nội dung tư vấn của luật sư cho trường hợp ông nêu./.
Chúc ông và gia đình mạnh khỏe!