Khi đưa chủ đề này lên diển đàn xin tư vấn , tôi nhận được nhiều ý kiến về pháp lý rất hay của các bạn . Nhưng qua 1 thời gian trao đổi , tôi cảm nhận rằng giữa tôi và các bạn tham gia hình như vẫn còn có sự “lệch pha” nào đó trong nhận định . Vì muốn kéo giảm đi khoản cách này nên các lập luận của tôi khá dài ( kể cả các dẩn chứng pháp luật “từ cổ chí kim” ) làm cho các bạn đọc dài, hơi bị . . . mệt ! Tuy nhiên theo tôi, với một tranh luận về pháp luật mà thiếu đi các dẩn chứng cần thiết thì chỉ là một “tranh luận chay”, vì vậy, mong thông cảm . Sau đây tôi xin trở lại chủ đề,
Để làm rõ hơn các quy định cho phép “hồi tố” về cách tính thời hiệu trong pháp luật dân sự và các quy định thời hiệu của Pháp luật qua các thời kỳ khác nhau, vẫn với những dữ kiện cũ ( giao kết hợp đồng 1989 , phát sinh tranh chấp 1995 ) , nhưng tôi tạm thay đổi thời điểm khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết (khởi kiện tranh chấp) để cho chúng ta có cái nhìn toàn cục hơn, tránh lẩn lộn giữa các khái niệm khá rắc rối của pháp luật ( giả định các tình huống cụ thể , theo tôi là một trong những cách tiếp cận để hiểu pháp luật nhanh nhất).
** Khởi kiện sau 1995 và trước 01/7/96 : đây là thời điểm Pháp lệnh HĐDS 1991 có hiệu lực. Do tranh chấp này có thời điểm giao kế 1989 và tại thời điểm này pháp luật không có quy định về thời hiệu , vậy các quy định về thời hiệu của Pháp lệnh HĐDS 1991 được áp dụng . Điều 56 Pháp lệnh HĐDS 1991 quy định thời hiệu khởi kiện là 03 năm, kể từ thời điểm xảy ra vi phạm hợp đồng và “ Đối với hợp đồng bị vi phạm trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực mà pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện, thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực.”
==> Trường hợp này , thời điểm bắt đầu thời hiệu là 1995 , theo đúng quy định của Pháp lệnh HĐDS 1991 : “kể từ thời điểm xảy ra vi phạm hợp đồng .” Tuy giao kết năm 1989 (trước ngày Pháp lệnh có hiệu lực ) nhưng quy định có tính “hồi tố” của Pháp lệnh không áp dụng được ở đây vì Điều 56 chỉ quy định 1 điều kiện áp dụng, “Đối với hợp đồng bị vi phạm trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực “.
Xin chú ý : theo tinh thần của Pháp lệnh HĐDS 1991 thì thời điểm xảy ra tranh chấp là điều kiện pháp lý tiên quyết trong việc xét thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện ( tương đồng tinh thần pháp luật ngày nay ) , và nếu vi phạm ( hoặc tranh chấp) xảy ra trước 1/7/91 ( tất nhiên xác lập cũng trước thời điểm này ) thì lấy ngày 1/7/91 để tính bắt đầu thời hiệu ( qui định ‘hồi tố’ này khác tinh thần pháp luật ngày nay )
** Khởi kiện sau 1/71996 và trước 1/1/2005 : đây là thời điểm Bộ Luật dân sự 1996 có hiệu lực . Bộ Luật dân sự không quy định về thời hiệu đối với tranh chấp hợp đồng, nhưng trong hướng dẩn thi hành của Quốc hội có các quy định như sau :
Tai Điểm b khoản 6 Nghị quyết Quốc hội ngày 28.10.1995 về thi hành BLDS 1996 :
“ a) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây có quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định về thời hiệu của các văn bản pháp luật đó;
b) Đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây không quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu và thời điểm bắt đầu thời hiệu được tính từ ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực. ”
Tại Khoản III Thông tư số 03/TTLN ngày 10/6/1996 cùa TANDTC và VKSNDTC hướng dẩn pháp luật theo Nghị Quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật dân sự (1996) , cũng có hướng dẫn liên quan đến thời hiêu như sau :
“ 1. Tại điểm a khoản 6 Nghị quyết có quy định là đối với các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây có quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện, thì áp dụng các quy định về thời hiệu của các văn bản pháp luật đó. Như vậy cần chú ý các điểm sau đây:
a) Theo quy định tại Điều 56 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự thì: "Trong thời hạn ba năm, kể từ thời điểm xảy ra vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền khởi kiện trước Toà án, nếu pháp luật không có quy định khác. Quá thời hạn này, bên bị vi phạm mất quyền khởi kiện". Bộ luật dân sự không có quy định về thời hiệu khởi kiện đối với vi phạm hợp đồng dân sự, do đó, các hợp đồng dân sự được xác lập từ ngày 1/7/1996 mà có vi phạm, thì bên bị vi phạm không bị hạn chế thời gian khởi kiện trước Toà án, nếu pháp luật không có quy định khác. “
==> Trường hợp này, với quy định của pháp luật rõ ràng như trên, nên thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện là 1995 , là “thời điểm xảy ra vi phạm hợp đồng” theo quy định tại Điều 56 Pháp lệnh HĐDS 1991 và thời hiệu là 03 năm . Việc áp dụng các quy định về thời hiệu của Pháp lệnh HĐDS 1991 vào cho trường hợp này là hoàn tòan chính xác vì thời điểm xác lập của giao dịch ( hợp đồng ) năm 1989 thỏa mãn đều kiện “được xác lập trước ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực ” và Pháp lệnh HĐDS 1991 cũng thỏa mãn điều kiện “các văn bản pháp luật trước đây có quy định về thời hiệu“
Xin chú ý : chỉ với các giao dịch dân sự thỏa mãn 2 điều kiện : ‘xác lập trước ngày 1/7/96’ và ‘các văn bản trước ngày 1/7/96 không quy định về thời hiệu’ thì mới lấy ngày 1/7/96 làm mốc tính thời hiệu và thời hiệu là thời hiệu trong Bộ Luật dân sự 1996 . Như vậy , với các giao dịch dân sự có dạng hợp đồng như “đề bài” trong chủ đề đang thảo luận không thuộc trường hợp này ( theo phân tích trên)
** Khởi kiện sau 01/01/2005 : đây là thời điểm Bộ Luật Tố tụng dân sự có hiệu lực , mọi tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết phải được xem xét theo Bộ Luật này về mặt tố tụng . Để hướng dẩn thi hành BLTTDS , Quốc hội có ban hành nghị quyết số 32/2004/QH11 . Tại Điểm 5 Nghị quyết số 32/2004/QH11 quy định cách áp dụng pháp luật cho các trường hợp mà văn bản pháp luật trước đây đã thiếu sót chưa xem xét đến hoặc có xét đến nhưng chưa có qui định rõ về tố tụng . Với quy định này của Cơ quan Lập pháp thì mọi tranh chấp trong quá khứ cũng như hiện tại đều có Luật để xem xét , có cơ sở pháp lý để áp dụng , đây có thể được coi là qui định có tính ‘hồi tố’ về tố tụng :
“Các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động phát sinh trước ngày Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực mà các văn bản pháp luật trước đây không quy định thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu thì áp dụng thời hiệu quy định tại Điều 159 của Bộ luật tố tụng dân sự.”
Theo đó , tình huống (hoặc ‘đề bài’) đang thảo luận phù hợp hoàn toàn với các quy định “hồi tố” trên của Quốc hội và đủ điều kiện áp dụng điều 159 BLTTDS .
Quy định tại Khoản 3 Điều 159 BLTTDS : “ Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm;
==> Như vậy , Pháp luật hiện hành mà cụ thể là qui định của Quốc hội và điều 159 BLTTDS đã quy định rõ ràng về tố tụng cho trường hợp đang thảo luận : thời hiệu khởi kiện là 2 năm , thời điểm bắt đầu tính thời hiệu là ngày phát sinh tranh chấp (1995 )
Xin chú ý : Nghị quyết của Quốc hội, Luật là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất hiện nay trong việc áp dụng pháp luật . Do đó , các văn bản pháp luật này khi đã quy định, hướng dẩn về vấn đề cụ thể thì không vì lý do gì có thể hiểu khác hoặc vận dụng khác được ( trừ trường hợp có văn bản có giá trị pháp lý tương đương ban hành sau đó và có nêu điều kiện phủ quyết ). Theo đó , mọi văn bản hướng dẩn dưới luật không được suy diễn, hướng dẫn sai ý chí của Cơ quan Lập pháp ! Ở đây, trong văn bản pháp luật của Cơ quan Lập pháp không có quy định trường hợp ngọai lệ , cũng như không quy định việc phải dời thời điểm tính thời hiệu về ngày 01/01/2005 cho các tranh chấp phát sinh trước ngày BLTTDS có hiệu lực, do đó, việc viện dẫn các Nghị định dưới luật để chứng minh cho điều này là hoàn toàn “trái luật “, mặc khác cũng có thể xem cách vận dụng chủ quan này là chưa hiểu đúng ( hoặc thậm chí là hiểu sai ) tinh thần các hướng dẩn trong Nghị định .
Hy vọng qua các dẩn chứng trên tôi đã cung cấp được một quy định , căn cứ pháp luật vững chắc ( không mới , nhưng có lẻ do sơ sót nên hay bị bỏ qua ) là : Điểm 5 Nghị Quyết số 32/2004/QH11 ngày 15/6/2004 về việc thi hành BLTTDS.