Căn cứ theo khoản 4 và Khoản 5 Điều 26 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an quy định: “Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an cấp xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia; Việc kiểm tra cư trú của Công an cấp trên tại địa bàn dân cư phải có cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến.”
Như vậy, việc Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an cấp xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Về thời điểm kiểm tra, Thông tư cũng không có quy định nào về giới hạn, do vậy việc kiểm tra có thể được tiến hành cả vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ.
Trường hợp bị kiểm tra vào ban đêm và việc kiểm tra này tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý cư trú thì công dân phải chấp hành mà không được từ chối. Đây cũng là một trong những nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật về cư trú.
Công dân có quyền yêu cầu lực lượng kiểm tra xuất trình thẻ ngành và các giấy tờ khác (nếu có) liên quan đến việc kiểm tra cư trú. Trường hợp sau khi xem các giấy tờ mà vẫn nghi ngờ thì công dân có thể điện thoại đến công an xã, phường để xác minh.
Cũng tại Khoản 1 có quy định "Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự" như vậy điều luật này quy định đương nhiên muốn kiếm tra định kỳ thì phải có thông báo, đột xuất thì phải có văn bản là đương nhiên. Nếu không có "văn bản" thì người dân có quyền không chấp hành việc cho kiểm tra cư trú.
Tuy nhiên, tại Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”.
Tại Điều 8, Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS 2003) quy định rằng “Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.
Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này.”
Cũng tại Điều 140 bộ luật này quy định việc khám chỗ ở chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định chỗ ở của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám chỗ ở cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã.
Nếu việc kiểm tra chỗ ở không đúng theo quy định thì sẽ bị xử lý theo Điều 124 BLHS năm 1999 quy định về tội xâm phạm chỗ ở của công dân như sau:
“1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.”
Như vậy, từ những quy định trên và các thông tin bạn đã cung cấp, bạn có thể đối chiếu với trường hợp của mình xem lực lượng kiểm tra có mạo danh, xâm phạm chỗ ở, khi thực hiện việc kiểm tra hay không. Trong trường hợp thấy việc kiểm tra này vi phạm các quy định trên bạn cần phải tố cáo hoặc tố giác hành vi này đối với cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định.
Nếu bạn có thắc mắc hay vấn đề gì để làm sáng tỏ thì hãy liên lạc trực tiếp với tôi để được tư vấn cụ thể hơn.