Theo thông tin bạn cung cấp, sau vụ tai nạn giao thông vợ bạn và đứa con trong bụng đều mất, người mợ thì hiện vẫn đang chữa trị tại nhà. Bên gây tại nạn sau hai lần đến thăm đến nay không có đi lại hay gọi điện, bồi thường gì cho gia đình bạn. Đầu tiên cần xác định lỗi trong trường hợp này, để từ đo căn cứ yêu cầu bên có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cũng như chịu trách nhiệm hình sự ( nếu đủ căn cứ cấu thành). Việc xác định lỗi sẽ do cơ quan điều tra xác định có lỗi hay không và tùy thuộc vào các tính tiết khách quan khác nhau chứ không thể theo thông tin bạn cung cấp như trên mà xác định được.
Vậy nên với trường hợp của bạn chúng tôi sẽ tư vấn theo hướng đặt ra các giả thiết như sau:
Nếu cơ quan điều tra xác định lỗi do chiếc ô tô đó gây ra, thì người điều khiển ô tô sẽ phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn.
- Về vấn đề chịu tráchh nhiệm hình sự :
Theo quy định về gây tai nạn giao thông có lỗi khi tham gia giao thông đường bộ ( ví dụ như không tuân thủ các nguyên tắc an toàn giao thông ) gây ra hậu quả nghiêm trọng như gây thiệt hại lớn về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người bị hại thì có thể chủ thể gây tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 như sau :
" 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
………………..
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
…”
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC về một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt quy định :“3. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 204; khoản 3 các điều 202, 203, 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220, Điều 222, Điều 223; khoản 4 các điều 206, 207, 216, 218, 219 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
b) Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;”
Việc gây ra hậu quả chết hai người và một người bị thương hiện vẫn đang điều trị (nếu có giám định thương tích đủ điều kiện) thì lỗi của ô tô sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Căn cứ vào quy định trên, nếu người điều khiển ô tô có đầy đủ căn cứ cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh trên, với mức độ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người điều khiển xe ô tô sẽ phải chịu mức hình phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
- Căn cứ để bồi thường thiệt hại:
Theo quy định tại khoản 1 điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”.
Căn cứ vào quy định trên, bên vi phạm sẽ phải bồi thường cho gia đình bạn các khoản tiền cứu chữa, tiền mai táng, tiền chữa trị cho người đang điều trị, …
- Trong trường hợp người điều khiển ô tô không có lỗi:
Nếu cơ quan điều tra kết luận người điều khiểm ô tô không có lỗi, thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 202 Bộ Luật Hình sự 1999.
Tuy nhiên, người điều khiển ô tô vẫn phải bồi thường theo quy định tại khoản 3 điều 601 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
“3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Như vậy, dù không có lỗi nhưng người điều khiển ô tô vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn.
Trường hợp, gia đình người đó không chịu bồi thường thiệt hại, bạn có quyền nộp đơn khởi kiện đến tòa án quận, huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông để được giải quyết.