Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm………”
Như vậy, việc xác định tỷ lệ thương tật làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh nêu trên. Cô gái kia có thương tích là 1% không thuộc các trường hợp trên nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên nhóm người thuộc băng nhóm sẽ bị xử phạt hành chính cụ thể mức phạt tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ: “ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;”
Việc cô gái kia cũng gây thương tích cho 1 người trong băng nhóm của họ, với thương tích là 6 % thì cũng giống như trường hợp mà tôi nêu ở trên. Việc cô gái chống trả có thể được coi là phòng vệ chính đáng Điều 15 Bộ luật Hình sự vì hành vi chống trả là cần thiết. Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. Mặc dù mức thương tích gây ra cho người kia lớn hơn mức thương tích bạn phải chịu nhưng điều này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe đang bị đe dọa của mình.
Hành vi đập vỡ chiếc điện thoại trị giá 2 triệu đồng có thể bị truy tố về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật hình sự như sau:
“Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:”
Từ sự tư vấn ở trên, nếu bạn có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự thì: "Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.
Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản".
Như vậy, bạn có thể lựa chọn nơi tố giác tội phạm. Bạn có thể tố cáo với cơ quan công an xảy ra sự việc hoặc nơi cứ trú, sau khi xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cơ quan công an sẽ làm thủ tục chuyển thẩm quyền điều tra vụ án lên cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Nếu bạn có thắc mắc hay vấn đề gì để làm sáng tỏ thì hãy liên lạc trực tiếp với tôi để được tư vấn cụ thể hơn
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.