Theo tôi, khi thảo luận ở diễn đàn chuyên về pháp luật như LawSoft này, các bạn nên cố gắng viện dẫn các quy phạm pháp luật để làm căn cứ cho quan điểm của mình chứ nói
"theo luật thì không được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất." như
LS_ThaiHung thì...
Tôi cho rằng, để trả lời câu hỏi ở đây, chúng ta phải trở lại các quy định về "Năng lực pháp luật dân sự" và "Năng lực hành vi dân sự" trong Bộ luật dân sự. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Mọi công dân đều bình đẳng và đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Người bị bệnh tâm thần vẫn có thể là chủ sở hữu của một Cty (ví dụ khi được cha mẹ để lại), chủ sở hữu 1 toà nhà, khu đất. Do vậy, đương nhiên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi tên anh ta chứ không thể ghi tên 1 người nào khác. Tuy nhiên, khi xác lập giao dịch thì phải do người đại diện theo pháp luật thực hiện, đúng như phát biểu của bạn
phankimyen trên đây.
Nào, chúng ta cùng ôn lại các quy định trong BLDS:
Năng lực pháp luật dân sự
Điều 14. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.
2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.
3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.
Điều 15. Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
Cá nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự sau đây:
1. Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản;
2. Quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản;
3. Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.
Điều 16. Không hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định.
Năng lực hành vi dân sự
Điều 17. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.