Về vấn đề này, có lẽ thông tin bạn nghe có phần không chính xác. Ngân hàng là tổ chức kinh doanh tiền tệ, giữa họ và gia đình bạn có hợp đồng vay vốn (hay còn gọi là Hợp đồng tín dụng); theo đó gia đình bạn đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi và có thể cả lãi phạt và theo bạn nói là khoảng 2,1 tỷ (trong khi gốc là 1,55 tỷ).
Việc bạn nói Ngân hàng có quyết định phát mãi tài sản, bạn cần làm rõ thông tin này. Thông thường quá trình xử lý của Ngân hàng có thể theo các bước như: Bước 1 họ tiến thành thông báo bạn đã vi phạm và bám sát quá trình trả nợ, khi bạn không trả nợ được thì có thể nhóm nợ của bạn đã chuyển sang nhóm nợ xấu và Ngân hàng sẽ chuyển sang bước 2. Bước 2 có thể là một bộ phận trực thuộc hoặc là Công ty quản lý tài sản họ sẽ thực hiện việc thu hồi nợ, tại bước này cũng sẽ có những phương án là cùng thỏa thuận bán tài sản hoặc giao tài sản cho ngân hàng bán để trả nợ... nếu vẫn không hoàn thành được việc trả nợ hoặc các bên không thống nhất được với nhau phía Ngân hàng có thể chuyển sang bước 3. Bước 3 là khởi kiện ra tòa án (Có thể gọi là quá trình tố tụng) và khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì có thể sẽ chuyển sang bước 4. Bước 4 là cơ quan thi hành án sẽ bán thanh lý tài sản.
Như vậy, bạn cần làm rõ xem vụ việc nhà mình thuộc giai đoạn nào? Nếu ở bước 2 thì các bên hoàn toàn có thể thương lượng, hòa giải và bạn có thể đề xuất ngân hàng cho miễn phần lãi phạt và một phần lãi trong hạn. Thực tế quá trình giải quyết các vụ việc của ngân hàng là có thể đạt được thỏa thuận này. Còn điều bạn nói là chỉ trả gốc và miễn hết lãi, theo tôi là rất khó thực hiện, trừ phí phía ngân hàng nhận thấy Hợp đồng thế chấp có nguy cơ bị tuyên là vô hiệu.
Chúc bạn có phương án xử lý tốt nhất.