Đúng là Nhà nước qui định sẽ bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến QSDĐ hợp pháp của người được cấp GCNQSDĐ ( khoản 5 điều 105 Luật đất đai 2003 ). Tuy nhiên, tại tiết a, khoản 2.4, điều 2 Mục II của Nghị quyết 02/2004/NQ - HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ngày 10/8/2004 hướng dẫn áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án dân sự đã ghi rõ : " a) Chủ cũ hoặc người thừa kế của người đó không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất nếu đất đó đã được giao cho người khác sử dụng và họ đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, trừ trường hợp có căn cứ chứng minh người đang sử dụng đất đó có hành vi gian dối, lừa đảo..... để được giao quyền sử dụng đất ". Đối chiếu với căn cứ pháp luật này thì gia đình bạn đã có căn cứ chứng minh ( bảng tự khai hành vi gian dối, lừa đảo của Cậu bạn ) rằng người đang sử dụng đất đó ( Cậu, Mợ của bạn ) đã có hành vi gian dối, lừa đảo để được Nhà Nước giao QSDĐ, cho nên gia đình bạn khởi kiện yêu cầu đòi lại đất là có cơ sở.
Huyện trả lời như thế là đã có ý bênh vực cho Mợ của bạn rồi, giờ ta chuyển sang phương án khác như sau :
1/- Rút lại toàn bộ đơn từ đã gởi cho Chủ tịch UBND Huyện.
2/- Viết lại đơn mới, thay vì tiêu đề là đơn khiếu nại yêu cầu thu hồi GCNQSDĐ, giờ sửa lại thành Đơn khiếu nại về việc đòi lại QSDĐ, đầu tiên gởi UBND Xã ( lấy biên nhận ) yêu cầu nơi đây phải hoà giải trong vòng 30 ngày theo qui định tại khoản 2 điều 135 Luật đất đai. Tình hình gia đình bạn theo như trình bày thì chắc chắn là hoà giải không thành bởi Mợ của bạn kiên quyết không chịu trả đất ( trả thế nào được khi chị này theo như cậu bạn trình bày thì đang đổ nợ, thậm chí muốn ly dị chồng để được chia tài sản nhằm bán đi mà thanh toán nợ ), do đó toàn bộ hồ sơ, gồm cả biên bản hoà giải không thành được gia đình bạn gởi đến Toà án Huyện để giải quyết tiếp, theo qui định tại khoản 1 điều 136 Luật đất đai. Khi Toà triệu tập lấy lời khai thì sự thật như thế nào gia đình bạn ( Nguyên đơn ) cứ nói như thế, nhất là cậu của bạn ( đồng Bị đơn với vợ ) phải khai tường tận, chi tiết từng hành vi gian dối, lừa đảo của mình để lấy toàn bộ số đất nói trên. Toà án sẽ thẩm định, xác minh và xét xử theo qui định của Luật pháp.
Cách này thì yêu cầu khởi kiện của gia đình bạn chắc chắn được Toà thụ lý giải quyết, tuy nhiên, khác với cách trước, cách này Nguyên đơn phải chịu một số chi phí như Tạm ứng án phí, chi phí đo vẽ, định giá ...v...v.... Gia đình bạn có thể giảm bớt chi phí bằng cách trình bày đất đã có GCNQSDĐ thể hiện chi tiết họa đồ và diện tích cho nên không cần phải đo vẽ và hàng năm UBND Tỉnh, Thành Phố đều có ban hành bảng giá đất trên địa bàn cho nên không cần phải định giá đất, chỉ phải chịu chi phí định giá cho tài sản gắn liền với đất và tạm ứng án phí thôi ( Tôi cũng xin lưu ý, một khi phải đầy đủ bãn lĩnh và đầy tự tin bước vào kiện cáo thì hãy làm theo lời tôi vừa tư vấn để giảm chi phí, bởi nó gây "sốc" cho Toà, hoàn toàn không có lợi nếu Nguyên đơn mù mờ pháp luật, từ chổ bị "sốc" có thể Thẩm phán có ác cảm, sẽ "quay" Nguyên đơn đủ kiểu ! ).
Nhắn lại với cậu của bạn là bỏ cách tôi vừa trả lời cho ông ta trưa nay đi nhé, nó không tốn tiền nhiều như cách này nhưng lòng vòng, tốn thời gian lắm. Tôi nghĩ gia đình bạn nên thuê 1 Luật sư có kinh nghiệm để tiến hành tố tụng, dù được tư vấn trên mạng chi tiết như thế nào nhưng người thực hiện không biết linh hoạt áp dụng theo thực tiển thì cũng bằng không ! Ví dụ, đang bị hỏi dồn dập trong phiên Toà, nếu là Luật sư thì người ta biết cách đối phó hữu hiệu tại chổ, còn như Bà và các Bác của bạn, chả lẻ xin Toà cho tạm dừng, chờ chút để bạn lại lên mạng hỏi ư ? Không nên tiếc tiền trong trường hợp này.