Không ít người lao động nữ nghỉ thai sản xong quay lại làm việc có nhu cầu làm thêm giờ để có thêm thu nhập, có điều kiện nuôi con tốt hơn thì họ thắc mắc rằng có thể làm thêm giờ được ngay không hay phải chờ sức khỏe hồi phục, tốt hơn?
Sinh con được ít nhất mấy tháng thì lao động nữ có thể được đăng ký làm thêm giờ?
Theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về bảo vệ thai sản như sau:
Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
- Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
- Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Theo quy định thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Như vậy, theo quy định thì người lao động đang nuôi con nhỏ vẫn có thể được làm thêm giờ nếu có nhu cầu. Và cũng không có quy định là lao động nữ phải sinh con ít nhất mấy tháng thì mới được làm thêm giờ. Tức khi nghỉ thai sản xong, người lao động trở lại làm việc là có thể đăng ký làm thêm giờ ngay mà không cần chờ thêm một thời gian nữa.
Nếu như công ty có tổ chức làm thêm giờ thì người lao động có thể đăng ký làm nếu thấy sức khoẻ mình vẫn đảm bảo để hoàn thành công việc. Trường hợp đánh giá thấy sức khoẻ của người lao động không tốt thì cũng có thể công ty sẽ từ chối cho người lao động làm thêm giờ.
Công ty bắt người lao động đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ khi họ không đồng ý thì sẽ bị phạt thế nào?
Theo điểm a khoản 1 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi được người lao động đồng ý trừ trường hợp theo Điều 108 Bộ luật này.
Cũng như quy định trên có đề cập ở trên thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Như vậy, các quy định đều nêu rõ là muốn sử dụng lao động làm thêm giờ đều phải được sự đồng ý của họ trừ trường hợp theo Điều 108.
Theo điểm b khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định:
“Điều 28. Vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới
…
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
…
b) Sử dụng người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa, trừ trường hợp được người lao động đồng ý;”
Cũng theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định thì mức phạt tiền tại Điều 28 là mức phạt tiền áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm, trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt tiền sẽ gấp đôi.
Cũng theo khoản 3 Điều 6 này thì công ty là tổ chức (là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam), cho nên trường hợp công ty có hành vi bắt người lao động đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ khi họ không đồng ý thì mức phạt tiền sẽ là từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Như vậy, người lao động nữ khi nghỉ thai sản xong quay lại làm việc thì có thể làm thêm giờ ngay mà không cần chờ nếu công ty có tổ chức và cho phép người lao động tham gia làm thêm giờ. Trường hợp không muốn làm thêm giờ mà bị công ty bắt làm thì công ty có thể bị xử phạt theo quy định vừa nêu.