Chào bạn.
Luật Bảo hiểm tiền gởi năm 2012 ( có hiệu lực từ ngày 1/1/2013) có quy định:
Điều 24. Hạn mức trả tiền bảo hiểm
1. Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
2. Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.
Trên cơ sở đó. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành quy định về mức trả tiền bảo hiểm đối với tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng bị phá sản.
Quy định nêu rõ, kể từ ngày 5/8, số tiền bảo hiểm được thanh toán cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi cho vay của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.
Trước đó, hạn mức bảo hiểm tiền gửi này áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng và đến năm 2005 tăng lên 50 triệu đồng.
Nói cách khác, dù số tiền người dân gửi vào tổ chức tín dụng là 100 triệu đồng, 500 triệu đồng hay nhiều hơn thì số tiền bảo hiểm tiền gửi chi trả cho người dân sẽ chỉ không quá 75 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngoài khoản đền bù của bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam, người gửi tiền sẽ nhận được tiền từ hoạt động thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng đó khi bị phá sản.
Theo Luật định hiện hành, nếu một ngân hàng phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng đó sẽ được ưu tiên tiến hành chi trả cho chủ nợ là các khoản vay đặc biệt đầu tiên, tiếp đến chính là những người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, đối tượng tiếp theo được xét duyệt chi trả là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là các cổ đông của nhà băng đó.
Tuy nhiên, việc tiến hành phá sản một tổ chức tín dụng và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng đó sẽ mất 1 khoảng thời gian rất dài, và khoản tiền người dân nhận được sớm nhất chính là khoản bảo hiểm tiền gửi.
Thân mến!