Chào bạn,
1. Nếu con bạn dưới 36 tháng tuổi thì gần như đương nhiên Tòa án sẽ giao cho bạn nuôi dưỡng nhưng cháu đã hơn 3 tuổi nên nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014: "Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con...".
Về mặt tình cảm thì có lẽ Tòa cũng có thể xem xét giao con cho bạn nuôi vì cháu mới hơn 3 tuổi.
Tuy nhiên, về mặt tài chính bạn cũng cần phải chứng minh là mình hoàn toàn đủ khả năng để nuôi bản thân và nuôi con. Ví dụ như thu nhập của bạn từ công ty (bạn sẽ có báo cáo tài chính hàng năm: lãi như thế nào, nộp thuế bao nhiêu... và phần lợi nhuận bạn được hưởng là bao nhiêu). Nếu chưa có nhà thì sau khi ly hôn bạn và con sẽ ở đâu? ở nhà bố mẹ đẻ hay thuê một chỗ ở ổn định để 2 mẹ con có thể sống tốt ...và phương án sắp tới.
2. Nếu bạn quyết định ly hôn thì bạn làm đơn xin ly hôn gửi ra Tòa, kèm theo bản sao đăng ký kết hôn, CMND, Hộ khẩu, giấy khai sinh của con, giấy tờ chứng minh khả năng tài chính để nuôi con...
Sau khi nhận được Thông báo nộp tạm ứng án phí của Tòa án thì đi nộp và Tòa sẽ thụ lý.
Sau đó, bạn viết bản tự khai gửi Tòa nêu đầy đủ, rõ ràng, kể cả nguyện vọng muốn nuôi con, khả năng để nuôi con, sự cần thiết về mặt tình cảm con phải ở cùng mẹ để cháu lớn lên phát triển bình thường...
Nếu thấy bản tự khai đầy đủ, rõ ràng rồi thì thường Tòa sẽ không cần lấy lời khai nữa.
Sau đó, Tòa sẽ gọi các bên đến Tòa để làm thủ tục hòa giải.
Nếu hòa giải không thành thì Tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Nếu Tòa chấp nhận cho 2 vợ chồng ly hôn và con ở với bạn là tốt. Còn nếu con ở với bố thì bạn có thể làm đơn kháng cáo bản án trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án...