Chào bạn.
Theo quy định của Điều 4.11 Luật Doanh Nghiệp 2005, cổ đông sáng lập là cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần.
Theo quy định của Điều 84.3 Luật Doanh Nghiệp 2005 thì trong trường hợp một trong số các cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua và phải huy động từ người khác không phải là cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó thì người nhận góp vốn đó đương nhiên là cổ đông sáng lập của công ty.
Do thông tin bạn cung cấp không đủ rõ ràng nên tôi giả định như sau:
TH1: Nếu 03 cổ đông sáng lập đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua trong hạn định (90 ngày kể từ ngày Công ty được cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp trừ khi Điều Lệ Công ty có quy định một thời hạn khác ngắn hơn), thì 03 thành viên góp vốn sau này không phải là cổ đông sáng lập của công ty mà chỉ là cổ đông góp vốn và do đó việc chuyển nhượng cổ phần của các thành viên này cho bên thứ ba không bị hạn chế trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp theo quy định tại Điều 84.5 Luật Doanh Nghiệp 2005.
TH2: Nếu (các) cổ đông sáng lập của Công ty không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong hạn định và một, hai hoặc cả 3 cổ đông góp vốn sau này nhận góp đủ số cổ phần đó thì cổ đông đó sẽ được xem là cổ đông sáng lập của công ty. Trong trường hợp này, việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông này cho bên thứ ba sẽ bị hạn chế theo quy định của Điều 84.5 Luật Doanh Nghiệp 2005. Theo đó, cổ đông này chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho bên thứ ba nếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Trên đây là một ý kiến của mình để bạn tham khảo.