Chào bạn!
Xin chia sẻ với sự việc của em trai bạn! Tôi trả lời câu hỏi của bạn như sau:
1. Trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự, cụ thể như sau: “1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Nghị quyết 02/3003/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ngày 17/4/2003 hướng dẫn cụ thể như sau: “Về các tình tiết "gây thiệt hại nghiêm trọng”, "gây hậu quả rất nghiêm trọng”, "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự
4.1. Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
A. Làm chết một người;
B. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
C. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
D. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
Đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
E. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
4.2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là "gây hậu quả rất nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
A. Làm chết hai người;
B. Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này;
C. Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
D. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%;
Đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này;
E. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.
4.3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
A. Làm chết ba người trở lên;
B. Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này;
C. Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e tiểu mục 4.2 mục 4 này;
D. Gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
Đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;
E. Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản được hướng dẫn tại điểm e tiểu mục 4.2 mục 4 này;
G. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.”.
Bạn thân mến! Hiện tại bạn mới chỉ cung cấp thông tin sơ lược về sự việc nên không thể xác định được trách nhiệm pháp lý mà em bạn phải chịu ở mức độ nào. Do vậy tôi chỉ có thể cung cấp các quy định pháp luật về sự việc để bạn vận dụng để theo dõi diễn biến sự việc. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý là em bạn chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như em bạn có lỗi. Còn nếu em bạn không có lỗi trong trường hợp trên thì em bạn sẽ không bị xử lý theo pháp luật hình sự. Còn việc bồi thường dân sự thì dù em bạn không có lỗi thì vẫn phải bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Việc giám định thương tật cho em bạn cũng là cần thiết, sẽ làm căn cứ để Tòa án xem xét khi lượng hình phạt nếu em bạn bị truy cứu hình sự.
Thân ái!
Luật sư Đặng Văn Cường
Văn phòng luật sư Chính Đại, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
Trụ sở: Số 33/162, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0977 999 896
Email: Cuongluatsuchinhdai@gmail.com