Bạn đã dùng quy luật của nền kinh
tế thị trường để cố thuyết phục cho sự không thuyết phục của ls_nguyen66 thì mình
đây cũng xin được sử dụng quy luật của nền kinh tế để cố thuyết phục bạn nhé,
mặc dù minh không phải là nhà kinh tế học và mình cũng dốt đặc cán mai về môn
này.
Ai cũng biết nền kinh tế thị
trường hoạt động được đều dựa trên nền tảng của các quy luật kinh tế. Nếu các
quy luật kinh tế này bị phá vỡ thì nền kinh tế thị trường sẽ hoạt động một cách
lệch lạc và sẽ nhanh chóng bị phá vỡ. Và ai cũng biết về hai trong các quy luật
cơ bản của nền kinh tế thị trường là quy luật giá trị và quy luật cung cầu.
Vậy hoạt động đầu cơ ảnh hưởng
đến hai quy luật cơ bản trên như thế nào và từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của
nền kinh tế thị trường ra sao? Hãy thử cùng tìm hiểu nào.
1. Đối với quy luật giá trị.
Hoạt động đầu cơ ảnh hưởng đến
quy luật này như thế nào?
Trước tiên phải tìm hiểu về nội
dung của quy luật này đã. Theo quy luật giá trị mà đã được thừa nhận một cách
rộng rãi thì sản xuất và trao đổi hàng hoá phải dựa trên cơ sở hao phí lao động
xã hội cần thiết. Trao đổi hàng hoá cũng phải dựa trên cơ sở hao phí lao động
xã hội cần thiết, có nghĩa là trao đổi theo nguyên tắc ngang giá. Sự vận động
của quy luật giá trị thông qua sự vận động của giá cả hàng hoá. Vì giá trị là
cơ sở của giá cả, nên trước hết giá cả phụ thuộc vào giá trị (mặc dù bên cạnh
đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa).
Lấy ví dụ cho dễ hiểu vậy: A sản
xuất ra hàng hóa với mức hao phí lao động cần thiết là 10 đồng, trong quá trình
lưu thông mức hao phí này là 5 đồng. Tức giá trị của hàng hóa mà A sản xuất ra
là 15 đồng. Khi đến tay người tiêu dùng thì giá cả của hàng hóa sẽ xoay quanh
mức 15 đồng này với một giới hạn mà người tiêu dùng và nhà sản xuất có thể chấp
nhận được chẳng hạn là 5 đồng. Vậy giá cả của hàng hóa là 20 đồng
Cứ cho rằng nội dung của quy luật
giá trị như trên là tạm chấp nhận được. Vậy bây giờ cùng tìm hiểu cơ chế tác
động của hoạt động đầu cơ đến quy luật này nha.
Mục đích của hoạt động đầu cơ là
để có được lợi nhuận cao nhất với giá trị hàng hóa thấp. Có nghĩa là hàng hóa
khi trong điều kiện bình thường thì có giá hợp lý là 20 đồng như trên. Nhưng do
có sự đầu cơ nên giá của hàng hóa này bị đẩy lên cao thường là cao hơn gấp
nhiều lần so với mức giá bình thường chẳng hạn là 50 đồng. Giá này không trên
cơ sở của mức hao phí lao động cần thiết để tạo ra hàng hóa nữa. Lúc này giá cả
của hàng hóa đã không còn nằm trong sự phụ thuộc với giá trị của hàng hóa nữa.
Tức là quy luật giá trị đã bị phá vỡ. Như trên đã nói, giá cả của hàng hóa khi
đến tay người tiêu dùng phải là một mức giá chấp nhận được. Nhưng bạn lại đặt
ra câu hỏi. Nếu không chấp nhận được giá cả là 50 đồng thì người tiêu dùng còn
đồng ý mua để làm gì?
Vâng bây giờ thì phải nhờ đến Quy
luật cung cầu để trả lời câu hỏi trên.
2. Đối với quy luật cung cầu đã
được thừa nhận rộng rãi cho rằng khi hàng hoá được bán trên một thị trường mà
lượng cầu về hàng hoá lớn hơn lượng cung thì sẽ có xu hướng làm tăng giá hàng
hóa. Nhóm người tiêu dùng có khả năng chi trả cao hơn sẽ đẩy giá của thị trường
lên. Ngược lại giá sẽ có xu hướng giảm nếu lượng cung vượt quá lượng cầu. Cơ chế
điều chỉnh về giá và lượng này giúp thị trường đạt đến điểm cân bằng, tại đó sẽ
không còn áp lực gây ra thay đổi về giá và lượng nữa. Tại điểm cân bằng này
người sản xuất sẽ sản xuất ra đúng bằng lượng mà người tiêu dùng muốn mua.
Thế hoạt động đầu cơ ảnh hưởng
đến quy luật này như thế nào?
Ở trên đã nói về mục đích của
hoạt động đầu cơ là thu lợi nhuận cao với chi phí thấp. Nhưng lợi nhuận cao với
chi phí thấp chỉ có được khi người đầu cơ dùng thủ đoạn để đẩy giá cả hàng hóa
lên cao. Nhưng giá cả lại phụ thuộc vào giá trị hàng hóa mà giá trị của hàng
hóa là một lượng không đổi (15 đồng). Vậy người đâu cơ bây giờ phải làm thế
nào. Người đầu cơ mới bóp trán nghĩ, giá cả phụ thuộc vào giá trị nhưng quy
luật cung cầu lại ảnh hưởng đến giá cả. Vậy để có giá cao thì không còn cách
nào khác là làm cho cầu cao mà cung ít. Nhưng để làm cho cầu cao thì phải làm
thế nào? Lúc này người đầu cơ lại tiếp tục nghĩ, à chỉ còn cách làm giảm lượng
cung hoặc tạo ra lượng cầu giả tạo. Để làm giảm nguồn cung người đầu cơ gom
hàng và ghim hàng tạo ra nguồn cung giảm một cách giả tạo để đẩy giá lên cao.
Cách thứ hai nữa là lợi dụng những điều kiện bất lợi làm cho lượng cầu tăng
cao. Lúc đó người tiêu dùng có nhu cầu cao thực, nhưng người đầu cơ lại làm cho
lượng cung giảm giả tạo bằng cách ghim hàng. Kết quả là người đầu cơ đã có thể
bán hàng hóa với giá cao gấp nhiều lần so với giá trị của hàng hóa. Dẫn đến là
quy luật cung cầu cũng bị phá vỡ.
Từ 1 và 2 => Các quy luật cơ
bản của nền kinh tế thị trường bị phá vỡ => Nền kinh tế thị trường không còn
hoạt động một cách lành mạnh và bình thường => Cần có biện pháp ngăn chặn và
răn đe hoạt động đầu cơ.
Biện pháp nào là biện pháp răn đe
tốt nhất? Biện pháp dân sự hay biện pháp hành chính hay biện pháp hình sự. Câu
trả lời là biện pháp hình sự.
Tạm xong nhé. Với hai quy luật cơ
bản của nền kinh tế mình đã chứng minh được tại sao phải áp dụng biện pháp hình
sự với hành vi đầu cơ nhé.
Bây giờ em xin phép quay lại ý
nghĩa thực tiễn để giải tiếp bài toán khó về tội đầu cơ nhé.
Cái ý nghĩa đó nó như thế này ạ.
Cứ cho rằng nền kinh tế thị trường hoạt động một cách tự do đi. Nhưng sự tự do
này giới hạn trong mức nào là có thể chấp nhận được. Liệu có nên tuyệt đối tuân
thủ quy luật của nền kinh tế thị trường không hay chỉ là tuân thủ có giới hạn.
Đặt vấn đề này trong mối quan hệ với việc đảm bảo lợi ích chính đáng của xã
hội, lợi ích an ninh quốc phòng thì phải chấp nhận rằng sự tự do phát triển của
nền kinh tế thị trường là sự tự do có giới hạn. Hành vi đầu cơ sẽ dẫn đến hậu
quả to lớn (mặc dù đưa lại lợi ích cho một nhóm người nhất định) nếu hành vi
đầu cơ xảy ra trong những điều kiện mà bộ luật hình sự dự liệu. Điều đó có
nghĩa là không phải tất cả các hành vi đầu cơ đều phạm tội hình sự. Mà chỉ một
số hành vi đầu cơ trong một số lĩnh vực tại những thời điểm nhất định và trong
một phạm vi nhất định thì mới có nguy cơ đối mặt với tội đầu cơ theo bộ luật
hình sự.
Ví dụ thực tế thì bạn ls_nguyen66
đã đưa ra rồi. Nhưng hành vi đầu cơ này chỉ là tôn lợp nhà thôi nhé. Nhưng nếu
có thằng nào đó dám đầu cơ về lương thực thực phẩm trong vùng thiếu lương thực
thực phẩm trầm trọng thì coi chừng nhé. May thì bị cơ quan chức năng cảnh cáo,
xui thì bị dân nó dần cho nhừ xương. Còn nhà nước có làm gì sau đó không thì cứ
đoán đi.
Hy vọng rằng với những kiến thức
nông cạn ở trên mình đã có thể thuyết phục được bạn tin vào sự cần thiết của
tội đầu cơ rồi. Còn nếu chưa thuyết phục được bạn nữa thì có lẽ phải nhờ đến
các chuyên gia kinh tế và pháp luật thực thụ vậy. Nếu không thì chịu khó liên
hệ với ủy ban pháp luật của quốc hội vậy. Xin cảm ơn bạn đã cố gắng theo dõi
những gì từ đầu bài viết đến giờ nhé.