Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/
Chủ Nhật, 26/09/2004, 08:49 (GMT+7)
Cuộc chiến chống tham
nhũng ở Singapore
vẫn luôn thường xuyên. Vấn đề là tham nhũng ở đó đã nằm trong vòng kiểm soát,
theo như đánh giá của Tổ chức PERC: “Với điểm số 0,38 trên thang điểm từ 0 -
10, hầu như là chẳng có tham nhũng”.
Từ lâu,
Singapore đã được ví như là một trong những con rồng châu Á. Một trong những lý
do của sự thành công này chính là vì Singapore trong vòng gần 40 năm đã phấn
đấu từ một nước châu Á với không ít tệ nạn tham nhũng, trở thành một nước được
đánh giá như là một trong năm nước “sạch” nhất thế giới (theo Tổ chức Minh bạch
quốc tế - TI), nước đứng đầu thế giới về chỉ số an toàn chính trị và kinh tế
(theo Tổ chức PERC), trên cả Úc và Hoa Kỳ.
TTCN gặp gỡ
ông Chua Cher Yak - giám đốc Cơ quan Điều tra tham nhũng (CPIB) của Singapore,
một cơ quan có thẩm quyền điều tra và “trảm” tham nhũng, bất luận ở cấp nào,
trong lĩnh vực nào.
* Để chống tham
nhũng, có ý kiến cho rằng cần phải trả lương hậu cho công chức, bằng không với
đồng lương eo hẹp, mãn đời cũng không mua nổi căn nhà, từ đó là những cám dỗ
thu vén. Đó có phải là kinh nghiệm của Singapore?
- Không. Chúng tôi
không nghĩ rằng tăng lương sẽ là điều kiện để chống tham nhũng một cách thành
công. Chúng tôi nghĩ ngược lại: cần phải chống tham nhũng để từ đó bộ máy nhà
nước hoạt động lành mạnh, để công quĩ được sử dụng đúng đắn hơn, từ đó mới có
thêm của cải xã hội, mới tăng sản lượng quốc gia, tăng mức sống của người dân
và... tăng lương cho công chức.
Trong thực tế, không
thể trả lương cao cho công chức khi mà toàn thể xã hội vẫn còn trong lề thói
tham nhũng. Do lẽ tham nhũng đã ngốn hết số tiền bạc cần thiết đó rồi, lấy đâu
mà tăng lương. Đó là một cái vòng luẩn quẩn. Thành ra phải chống tham nhũng đã
để lần hồi thay đổi hành vi cá nhân, tập quán xã hội và vật chất mới có tiền
tăng lương. Trong khi chờ đợi, chính phủ phải đảm bảo các phúc lợi xã hội tối
thiểu để người công chức đừng phải quá vất vả với gánh nặng gia đình.
* Nếu tôi hiểu
không lầm, chống tham nhũng không chỉ là chống mà thôi, còn là xây, và rằng đó
chính là công việc của cả xã hội?
- Đúng thế, chúng tôi
không thể chống tham nhũng nếu như chính phủ chúng tôi không xây dựng những
điều kiện cần thiết cho một cuộc sống hướng đến không tham nhũng. Tất nhiên,
đất nước chúng tôi tăng trưởng theo tốc độ của chúng tôi, đất nước các bạn tăng
trưởng theo tốc độ của các bạn. Thế nhưng, vẫn có một sự tương đồng trong chống
tham nhũng: phải huy động nỗ lực của cả xã hội giúp người công chức dễ lành
mạnh hơn. Từ đó, chúng tôi đã chống tham nhũng thành công cho dù cũng bắt đầu
từ nạn tham nhũng như ở các nơi khác.
Chúng tôi
đã không thể chống tham nhũng thành công nếu chính phủ không xây dựng một nền
tảng thỏa mãn những khiếu nại của công chúng. Chúng tôi gọi đó là bốn cột trụ
của “ngôi đền kiểm soát tham nhũng”. Đầu tiên, đó là một quyết tâm thật sự
bài trừ và phòng ngừa tham nhũng của chính phủ, của những nhà lãnh đạo cao
nhất. Họ phải làm gương cho mọi người theo trước đã. Bên cạnh đó, chính phủ
đã tạo ra một cơ quan chống tham nhũng là cơ quan CPIB của chúng tôi với thẩm
quyền thật sự. Từ đó, chúng tôi hoạt động trên một nền tảng pháp lý hiệu lực
và một bộ máy trừng trị hiệu quả. Song song, chúng tôi cũng xây dựng một hệ
thống hành chính hiệu quả cùng những tập quán công quyền tốt đẹp nhất.
|
Một khi công chúng
bắt đầu cảm thấy thỏa mãn khi những khiếu nại của mình được giải quyết, họ sẽ
cổ vũ mọi biện pháp của chính phủ.
Cơ quan chống tham nhũng phải được toàn
quyền hành động chống lại bất cứ trường hợp tham nhũng ở cấp nào, vị trí,
đảng phái nào, màu da dân tộc nào.
|
|
* Trong xã hội
các ông có hiện tượng mua sắm của công rồi tham nhũng từ những mua sắm đó, từ
những “lại quả”, như có thể thấy ở một số nước?
- Ở đất nước chúng
tôi hiện không thể có hiện tượng đó. Do lẽ những người có trách nhiệm đều ý
thức rằng làm như thế chỉ khiến đất nước đi xuống mà thôi.
* Làm sao các
ông có thể tin chắc không có hiện tượng “lại quả”?
- Chúng tôi có bộ
phận tình báo đảm trách công việc đó. Một khi bộ phận đó phát hiện một sai trái
nào đó, chúng tôi sẽ ra tay.
* Nếu như có một
vụ tham nhũng xảy ra ở một bộ nào đó trong nội các, liệu các ông có bị cản trở
hay không được cộng tác không?
- Cơ quan chúng tôi
trực thuộc phủ thủ tướng, nên không một bộ nào dám không cộng tác hoặc cản trở
chúng tôi. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi đã đưa ra tòa xử ba bộ trưởng,
lần cuối cùng vào năm 1986 với bộ trưởng phát triển quốc gia. Lần đầu, năm 1966
cũng là một bộ trưởng phát triển quốc gia.
* Trong cơ chế
của đất nước các ông, nhiệm kỳ thủ tướng dài hơn các nước khác, nên
các ông có thể hành động mà không ngại có ngày phải “đổi chủ”... Đó chính là
một đặc điểm và cũng là ưu thế của các ông.
- Chính vì ý thức
điều đó mà chúng tôi tự nhủ rằng nếu chính phủ tồi thì chúng tôi phải chịu đựng
một chính phủ tồi trong 40 năm; nếu chính phủ tham nhũng thì chúng tôi phải
chịu đựng một chính phủ tham nhũng trong 40 năm; còn nếu chính phủ tốt thì
chúng tôi sẽ thành đạt trong 40 năm. Cơ chế đó phải là một tác nhân tốt. Các
thủ tướng có thể thay đổi, song đảng cầm quyền vẫn là một. Và tất cả đều ý thức
rằng quyền lợi của quốc gia là trên hết. Nếu một ai không ghi nhớ điều đó, hành
động sai trái thì phải bị đào thải, xét xử ngay.
* Trong khi hành
động, các ông không sợ trong nội bộ Đảng PAP cầm quyền của các ông có vấn đề bè
phái sao?
- Cho đến lúc này thì
chưa. Vì chúng tôi hiểu rằng làm như thế chính là tự giết mình. Vấn đề phải đơn
giản như thế, không thể để trở thành phức tạp. Ý thức quốc gia dân tộc phải
trên tất cả.
* CPIB các ông
có phải là một “siêu cảnh sát”?
Những việc phải làm và những
điều cấm chỉ đối với công chức:
|
Phải làm:
1/ Báo cáo bất cứ trường hợp “ngỏ lời”
nào.
2/ Báo cáo có quan hệ với bất cứ ai
trong số công chúng đến làm việc với mình hầu tránh bị tố cáo là thiên vị.
3/ Khai báo quyền lợi của mình trong
công việc làm ăn của gia đình hay của bản thân. Tự rút khỏi việc giám sát
hay xử lý các trường hợp đó.
4/ Tham khảo cấp trên nếu có nghi ngại
gì về tính chất của bất cứ việc gì định làm...
Cấm chỉ:
1/ Không được nhận thưởng từ bất cứ ai
do đã hay sẽ làm gì đó trong chức trách của mình.
2/ Không được ăn uống hay giải trí với
bất cứ ai có quan hệ làm việc, nhằm tránh bị tố cáo là thiên vị.
3/ Không được mời ai có quan hệ làm việc
với mình đến dự đàm tiệc do mình tổ chức.
4/ Không được đi nước ngoài do nhà thầu
tổ chức dưới danh nghĩa là “tập huấn” hay “kiểm tra” sản phẩm mà nhà thầu
đó cung cấp.
5/ Không được để cho nhà thầu thanh toán
các hóa đơn chi tiêu của mình...
|
|
- Trước hết, chúng
tôi, CPIB, không hề là một “siêu cảnh sát”. Chúng tôi cũng chỉ hoạt động như
bất cứ một cơ quan thực thi pháp luật nào khác, như cơ quan bài trừ ma túy
chẳng hạn... Chúng tôi cũng được tuyển dụng và lãnh lương như họ. Chúng tôi
cũng phải bị xử lý như họ một khi chúng tôi sai phạm. Có điều do chúng tôi trực
thuộc phủ thủ tướng, và thủ tướng đầu tiên là ông Lý Quang Diệu, nên ngay từ đầu
chúng tôi đã có thể làm việc một cách hiệu quả.
* Có ý kiến cho
rằng có thể thành lập một cơ quan chống tham nhũng thuộc quốc hội chẳng hạn,
như là một bộ máy hành chính, khác với cơ quan các ông là một cơ quan điều tra
và hành động.
- Chúng tôi không nghĩ
rằng đó là một kinh nghiệm hay. Ở Hàn Quốc cũng có cơ quan bài trừ tham nhũng,
song thuộc quốc hội vốn là một cơ quan lập pháp nên không có chức trách điều
tra và chấp pháp. Không thể chống tham nhũng bằng văn thư được mà phải bằng
điều tra. Hễ có đơn khiếu nại là phải điều tra. Hễ có dấu hiệu vi phạm là phải
điều tra. Và điều tra xong là phải xử lý tư pháp. Song quốc hội lại không có
thẩm quyền truy tố, xử lý tư pháp. Để thực hiện tốt công tác điều tra phải có
những điều tra viên chuyên nghiệp, nắm vững những lắt léo của hành vi tham
nhũng.
* Thế các ông
tuyển người như thế nào? Lương ra sao?
- Chúng tôi cũng
tuyển như ở các bộ khác, nghĩa là tuyển ai có năng lực nhất, có thể thích hợp
nhất cho công việc. Lương cũng khá tuy không phải là cao nhất.
* Nếu không vì
lương, không có đặc quyền, đặc lợi, chẳng phải là “siêu cảnh sát”, vậy nhân
viên các ông tham gia CPIB vì gì? Vì danh tiếng chăng?
- Tôi không nghĩ như
thế. Chúng tôi không nhìn công việc của chúng tôi một cách lớn lao như thế.
Chúng tôi không tự gọi đó là phục vụ đất nước. Ông Lew Nam Mun có ý kiến gì
không?
- Ông LEW NAM MUN
(phụ trách quan hệ công chúng của CPIB): Tôi làm việc ở CPIB từ 25 năm qua.
Đúng là trong 25 năm qua, Singapore
đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực công quyền, liêm khiết hơn trước rất nhiều.
Trong đó có phần của CPIB. Nhờ đó, đất nước phát triển hơn, cuộc sống hạnh phúc
hơn. Người dân Singapore
cũng từ đó mà nhìn thấy CPIB.
* Các ông có sự
hậu thuẫn từ bên trên, có công cụ pháp luật để hành động, thế còn sự hợp tác
của dân chúng? Trong phim tài liệu giới thiệu CPIB có nói đến việc giáo dục dân
chúng.
- Ông CHUA CHER YAK: Vấn đề là dân chúng nào? Nếu đó là những
người không lương thiện thì họ làm sao hợp tác với cảnh sát, với chúng tôi. Nếu
đó là người dân lương thiện thì việc hợp tác không thành vấn đề. Và lương thiện
là đa số.
Tôi không thích từ ngữ “giáo dục” lắm. Vấn đề là thuyết phục dân chúng thay đổi
hành vi, thay đổi quan niệm. Làm sao cho họ ý thức được quyền lợi của họ, rằng
họ không cần phải đút lót ai, chẳng ai có thể ép họ đút lót. Và công chức cũng
hiểu ra rằng nếu không tham nhũng, nhà nước có tiền nhiều hơn để chăm sóc cho
họ. Muốn thế, lãnh đạo nhà nước phải làm gương, bày tỏ ý chí chống tham nhũng,
tạo điều kiện trấn áp tham nhũng. Tiến đến một xã hội không chấp nhận tham
nhũng như là một cơ chế tự động.
Chúng tôi có những
công cụ pháp luật như đạo luật chống tham nhũng rất nghiêm nhặt. Luật pháp
nghiêm cũng là một sự thuyết phục. Làm sao cho từ một thế hệ này sang một thế
hệ khác không có sự kế thừa tính không liêm khiết, làm sao cho thế hệ trẻ không
biết thế nào là tham nhũng. Singapore
đã làm được điều đó.
* Cũng như là có
thế hệ tin có ma, thế hệ sau không tin có ma, thế hệ sau nữa không biết đến
khái niệm “có ma”...
- Ông CHUA CHER YAK: Đúng thế. Đến đây trở thành một yếu tố văn
hóa. Có những xã hội không biết đến khái niệm và hành vi tham nhũng. Số xã hội
đó cũng không phải là ít lắm. Vấn đề là tái lập các giá trị xã hội dựa trên sự
trong sạch, tài năng, thành tích, tính hiệu quả... chứ không phải dựa trên đồng
tiền. Muốn thế, các nhà lãnh đạo phải làm gương trước. Tôi kính nể ông vì ông
giỏi, chứ không phải vì ông lắm của. Từ đó, xã hội sẽ nói không với đồng tiền
bẩn.
Có thể thấy rõ điều
này qua những nhà đầu tư Singapore
ở nước ngoài. Họ không bao giờ dùng đến đồng tiền đút lót. Có hai nhóm nhà đầu
tư, kinh doanh: nhóm các nước “sạch” không chấp nhận lo lót, và nhóm các nước
chấp nhận lo lót như là một điều gì mang tính hệ thống. Điều đó có nghĩa là
không lo lót cũng làm ăn được, thậm chí làm ăn được còn hơn cả lo lót. Các nước
đó chính là những nước phát triển nhất. Các nước lo lót nhiều nhất lại là những
nước chậm phát triển nhất. Chính sự lo lót là nguyên nhân của sự không phát
triển. Đây là một khác biệt văn hóa. Giữa nền văn hóa “không chấp nhận tham nhũng”
và “văn hóa tham nhũng”.
- Ông LEW NAM MUN:
Chính vì thế mà tôi chia sẻ sự lo ngại với một số nhà đầu tư của chúng tôi tại
một số nước mà sự lo lót là phổ biến. Một khi không chấp nhận lo lót họ sẽ bị
khó khăn trong xã hội đó.
* Có những nước
mà hình phạt cho tham nhũng có thể lên đến án tử hình, song vẫn không ngăn được
tham nhũng.
- Ông LEW NAM MUN: Ở Singapore không còn án tử hình, tối
đa chỉ là 7 năm tù, tối đa thêm 7 năm nữa là 14. Ây thế mà ai cũng sợ. Vấn đề
là luật pháp có cho phép tịch thu tài sản trong các “ngóc ngách” hay không, có
ngăn chặn mọi khả năng tham ô hay không, có để mặc cho một công chức “làm ăn”
nhờ vị trí của mình hay không, hay là rơi vào nợ nần quá đáng sinh tham ô hay
không...
* Ở nước các ông có
những trường hợp “chôm chỉa” 30%, 40% ngân sách các dự án xây dựng?
- Không thể xảy ra vì
các nhà thầu xây dựng đều là tư nhân, và chúng tôi có những tiêu chuẩn của
chúng tôi. Chúng tôi bám chặt những tiêu chuẩn đó để ngăn ngừa từ trước chứ
không để sơ sẩy.
* Khi hỏi đường
một nhóm tài xế taxi đậu cách đây không xa lắm để đến đây, tôi cho họ xem địa
chỉ CPIB các ông, có người tỏ ra không vui vẻ lắm.
- Ông CHUA CHER YAK: Đúng là có những người sợ chúng tôi và có những
người hoan nghênh chúng tôi.
Qua hai
trao đổi rất thẳng thắn với những người đứng đầu hai cơ quan chống tham
nhũng (CPIB) và cải cách hành chính (PS21), có thể thấy khá nhiều điều:
- Việc
chống, họ dành cho những “lão làng”, những “cáo già”. Do lẽ muốn chống,
phải tinh thông mọi ngóc ngách, lề thói cũ.
- Việc xây,
họ dành cho lớp trẻ. Do lẽ, người trẻ được đào tạo theo mới kể cả ở nước
ngoài, vừa tinh thông những kiến thức mới, vừa thông thạo các tập quán mới
ở các nước, không run rẩy trước cái mới nên không nệ cổ, không ngại thay
đổi. Ngay lập tức những người trẻ được giao phó trọng trách đổi mới đã biết
rủ người khác cùng góp ý đổi mới.
- Cả các
lão làng bên CPIB hay những người trẻ bên PS21 cùng một tâm tư: điều họ cần
chính là cái gì đo lường được, là tính hiệu quả. Như lãnh đạo của PS21 Boo
Chong Han phát biểu: “Chúng tôi đang tiến đến một chế độ cầm quyền trên cơ
sở đánh giá hiệu quả (meritocracy)”. Người công chức chính là để người sử
dụng dịch vụ công được hài lòng.
- Họ hướng
đến tương lai, đến bên ngoài nhiều hơn để quan sát, để dự báo. Họ biết rằng
thời gian không chờ đợi họ. Họ quan niệm tương lai đầy rẫy những thay đổi
nên họ nhất định phải nghiên cứu tương lai để chuẩn bị sẵn sàng, không chỉ
đối phó mà để thành đạt.
|
|
DANH ĐỨC thực hiện