#ccc" align="center">
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu!
Các bài viết không dấu sẽ bị xem là bài viết vi phạm!
Bài viết vi phạm sẽ bị xóa!
VỤ ÁN “LÀM NHỤC NGƯỜI KHÁC” Ở ĐĂK NÔNG
ĐI TÙ VÌ…LÀM THƠ CHỐNG THAM NHŨNG
Ngày 11/11/2007, Ông Lương Văn Quý ngụ tại tổ dân phố 2 phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa và ông Trần Quốc ngụ tại tổ dân phố 2, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đăk Nông đã bị cơ quan Công an thị xã Gia Nghĩa bắt khẩn cấp và khởi tố vì tội “làm nhục người khác”. Ngày 09/7/2008 Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Gia Nghĩa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm tuyên phạt ông Quý 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng, ông Quốc 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng (Bản án số: 31/2008/HS-ST). Các bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm. Ngày 23/10/2008 Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Đăk Nông đã mở phiên tòa phúc thẩm và đã hủy bản án sơ thẩm nêu trên để điều tra lại. Vụ án đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì đã kéo dài hơn một năm nhưng vẫn chưa giải quyết xong.
Tóm tắt vụ án:
Trong một phút ngẫu hứng, ông Lương Văn Quý đã sáng tác bài thơ “Tham nhũng là quốc nạn” dựa theo ý bài thơ chúc Tết năm 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Đánh cho Yến cút, Thử nhào
Đánh cho Hoa phải đi vào trại giam
Đánh cho Hân phải bàng hoàng
Mà phải rớt chức đi làm culy
Đánh cho Toàn phải ra đi
Trần Phương thấy thế vậy thì chết theo
Đánh cho một lũ như heo
Hay ăn quậy phá lèo phèo nhiễu dân
Để cho dân bớt gian truân
Cuộc sống hạnh phúc muôn phần tốt tươi
Đảng, Bác đã nói nhiều rồi
Tấm gương đạo đức ta thời noi theo
Sau khi sáng tác xong, ngày 03/11/2007 Quý đến Văn phòng làm việc của Quốc chơi và đọc cho ông Quốc nghe, ông Quốc khen hay nên Quý để lại tờ giấy ghi bài thơ nói trên và nói “tôi để lại cho anh đánh máy nghe (ông Quốc có mở dịch vụ đánh máy và photocoppy), ông Quốc trả lời “khi nào có điện tôi gọi thằng Giang đánh máy cho”. Sau đó Quý đi về nhà, đến khoảng 20 giờ cùng ngày, do thử máy photo nên ông Quốc đã in nhầm lên tờ giấy có bài thơ nói trên nên bị đen không đọc được và ông Quốc đã bỏ vào thùng rác.
Đến khoảng 09 gờ ngày 04/11/2007, ông Quý đến nơi làm việc của ông Quốc và hỏi Quốc là “cái hôm qua đã đánh máy chưa” (ý nói bài thơ Quý đưa hôm qua đã đánh máy chưa) Quốc trả lời “tôi vứt mất rồi, anh nhớ thì viết lại rồi tôi đánh máy luôn” nghe vậy Quý ngồi vào bàn làm việc của ông Quốc viết lại bài thơ rồi đọc cho Giang đánh máy, trong lúc đánh máy Quý có hướng dẫn cho Giang đánh bài thơ thành 04 bản trên 01 trang giấy A4, đánh máy xong Giang in ra một bản, Quý cầm lấy đưa cho ông Quốc xem rồi photo thành 07 bản, Quý lấy bản gốc còn 07 bản photo Quý đem để trên tủ kính tại Văn phòng nơi ông Quốc làm việc. Trước khi về, Quý cho Giang 20.000đ tiền công đánh máy. Sau đó Quý đi về và đưa bài thơ nói trên cho Vũ Văn Phước, Vũ Bá Nhân, Nguyễn Văn Bình, Bùi Quang Phúc trú tại phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa xem. Anh Phúc nói “bài thơ hay đấy nhưng ông nào mà dám đụng đến mấy ông ấy” nghe vậy quý đem cất bài thơ, sau đó đem cho anh Phan Quốc Lập, Phó trưởng phòng PA38, Công an tỉnh Đăk Nông và nói “có bài thơ, gửi anh xem”, xem xong bài thơ anh Lập nói “dù bài thơ tốt hay xấu nhưng đã đưa cho tôi thì không có vấn đề gì”, nghe anh Lập nói vậy, khoảng 7 giờ ngày 06/11/2007, Quý đem xấp giấy A4 cùng một bản photo bài thơ nói trên đến gặp Quốc và nói “hôm qua tôi đã đem bài thơ cho anh Lập xem rồi, không ảnh hưởng gì về chính trị cả”. Ông Quốc nói “những người này tôi đang tố cáo thì tôi còn sợ cái gì” rồi Quốc photo thành nhiều bản, Quý lấy một bản, số còn lại bỏ vào tủ trong phòng làm việc của ông Quốc và nói “nếu ai xin thì cho”. Khoảng 20 giờ cùng ngày có nhiều hộ dân đến khiếu kiện, Quý thấy số bài thơ nói trên không đủ cho 199 hộ dân nên dùng kéo cắt ra được 08 tờ bằng 32 bản, thấy nhỏ và đau tay nên bỏ vào sọt rác khi nào cần thì lấy photo tiếp, rồi đi ngủ. Đến ngày 10/11/2007, Quý và Quốc bị Công an thị xã Gia Nghĩa bắt khẩn cấp vì đã có hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Thay đổi quan điểm buộc tội ban đầu, tại bản Kết luận điều tra bổ sung số 04/KLĐTBS ngày 18/3/2008, cơ quan điều tra Công an thị xã Gia Nghĩa cho rằng bài thơ của Lương Văn Quý đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của lãnh đạo địa phương. Người giúp sức đắc lực là ông Trần Quốc Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Bình Định. Hành vi phạm tội nêu trên đã đầy đủ yếu tố cấu thành tội “Làm nhục người khác”. Căn cứ vào đó, ngày 26/3/2008 Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Gia Nghĩa đã ra bản cáo trạng số 14/KSĐT-TA truy tố Lương Văn Quý và Trần Quốc về tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điểm b, khoản 2, Điều 121 Bộ Luật hình sự.
Ngày 29/4/2008 TAND TX Gia Nghĩa đã ra Quyết định số: 24/2008/HSST-QĐ đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên phiên tòa đã phải hoãn lại vì vắng mặt bị hại (Quyết định số: 03/QĐHS-ST ngày 13/5/2008).
Ngày 26/6/2008 TAND TX tiếp tục đưa vụ án ra xét xử (Quyết định số: 34/2008/HSST-QĐ) và tuyên phạt Lương Văn quý 15 tháng tù, Trần Quốc 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (Bản án số 31/2008/HS-ST ngày 09/7/2008).
Các bị cáo không đồng ý với bản án hình sự sơ thẩm vì cho rằng mình không phạm tội nên đã kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm nói trên. Ngày 23/10/2008 TAND tỉnh Đăk Nông đã mở phiên tòa phúc thẩm và quyết định hủy bản án sơ thẩm số 31/2008/HS-ST ngày 09/7/2008 của TAND thị xã Gia Nghĩa để điều tra lại.
Án Sơ thẩm bị hủy, nguyên nhân do đâu?
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 09/7/2008, các bị hại không có mặt, các bị cáo Quý và Quốc đã yêu cầu Hội đồng xét xử triệu tập những ai là “bị hại” để được đối chất, nhưng không hiểu sao lại không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Quý khẳng định “Tôi làm thơ theo ngẫu hứng” và cho rằng mình làm thơ không chỉ đích danh ai, việc bị cáo khai có làm thơ đã kích một số cán bộ lãnh đạo của tỉnh Đăk Nông và thị xã Gia Nghĩa là do co quan điều tra ép cung bị cáo và bị cáo đã ký nhận trong các lời khai tại cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng vẫn khăng khăng cho rằng Lương Văn Quý và Trần Quốc phạm tội “Làm nhục người khác”. Tòa án đã áp dụng điểm b, khản 2 Điều 121, điểm h, p khoản 1, Điều 46, Điều 60 Bộ Luật hình sự tuyên phạt bị cáo Quý 15 tháng tù và bị cáo Quốc 09 tháng tù cho hưởng án treo!
Điều rõ ràng và rất dễ nhận thấy trong vụ án này là các tên trong bài thơ do Quý sáng tác lại không có tên tuổi đầy đủ, chức vụ, cơ quan công tác hay một địa chỉ cụ thể nào…nhưng cơ quan điều tra, VKS, TAND thị xã đều cho rằng bài thơ của Quý là nói đến các ông Đặng Đức Yến, Trần Phương, Năm Toàn, Ba Thử, Võ Văn Hân, Nguyễn Thị Hoa!?? Một điều mâu thuẫn nữa là trong bài thơ có 06 cái tên nhưng cơ quan điều tra chỉ thừa nhận chỉ có 02 trong 06 tên đó là “người bị hại” (đó là ông Võ Văn Hân và bà Nguyễn Thị Hoa (đều là phó chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa, 04 người còn lại kia “không có ý kiến gì”!?
Ngày 23/10/2008 TAND tỉnh Đăk Nông đã mở phiên tòa phúc thẩm để xét xử lại vụ án nói trên. Tại tòa, các bị cáo Quý và Quốc cho rằng mình không phạm tội làm nhục ai. Bị cáo Quý vẫn khẳng định là mình làm thơ nhằm mục đích chống tham nhũng và không có ý làm nhục các bị hại như Tòa án sơ thẩm đã kết tội, vì nội dung bài thơ không nói cụ thể đến con người nào, bị cáo Quốc khai chỉ photo bài thơ theo yêu cầu của Quý và cũng chưa phát tán bài thơ cho ai, thậm chí bị cáo Quốc còn khẳng định là mình không biết mặt ông Hân là ai, làm gì, ở đâu thì sao làm nhục được…Các bị cáo đều khẳng định là không có ý hạ nhục các bị hại như Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định. Điều đáng nói ở đây là tại các phiên tòa, kể cả phúc thẩm đều không có mặt ông Hân và bà Hoa (bị hại).
Tại bản án số 01/2008/HSPT ngày 23/10/2008, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định: “Tòa án cấp sơ thẩm kết tội các bị cáo Lương Văn Quý, Trần Quốc về tội “Làm nhục người khác” là chưa có đủ căn cứ pháp lý. Nội dung bài thơ do Lương Văn Quý sáng tác không xác định rõ con người cụ thể nào. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ ý thức chủ quan của các bị cáo có mong muốn cho những người bị hại bị nhục hay không, các bị cáo có ý thức để những người bị hại biết việc lăng nhục đó hay không, động cơ, mục đích của các bị cáo như thế nào. Cấp sơ thẩm cũng chưa chứng minh được việc xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của các bị hại đã đến mức nghiêm trọng chưa, nghiêm trọng như thế nào” (trích nguyên văn bản án phúc thẩm). Cuối cùng TAND tỉnh Đăk Nông đã tuyên: “Hủy bản án Sơ thẩm số 31/2008/HS-ST ngày 09/7/2008 của Tòa án nhân dân thị xã Gia Nghĩa để điều tra lại”.
Ngày 22/01/2009 cơ quan điều tra Công an thị xã Gia Nghĩa đã làm lại bản Kết luận điều tra số 07/KLĐT và ngày 11/02/2009 VKSND thị xã Gia Nghĩa ra Cáo trạng số 12/KSĐT-TA với các nội dung y như cũ và vẫn tiếp tục truy tố Lương Văn Quý và Trần Quốc ra trước TAND TX Gia Nghĩa một lần nữa về tội danh “ Làm nhục người khác” theo điểm b khoản 2 Điều 121 bộ Luật hình sự.
Được biết ngày 12/3/2009 TAND TX Gia Nghĩa đã ra Quyết định số 26/2009/HSST-QĐ tiếp tục đưa vụ án nói trên ra xét xử nhưng phiên tòa phải tạm hoãn vì “Những người bị hại vắng mặt không có lý do” (Quyết định số 06/QĐHS-ST ngày 27/3/2009) và “Thành phần Hội đồng xét xử vắng mặt 02 Hội thẩm nhân dân” (Quyết định số 08/2009/QĐHS-ST ngày 16/4/2009) !?
Tại sao một vụ án tưởng chừng như rất đơn giản nhưng các cơ quan tố tụng lại “bế tắc” như vậy?
Vụ án tưởng chừng như rất đơn giản nhưng các cơ quan tố tụng lại giải quyết kéo dài thời gian, gây bức xúc cho người dân và dư luận trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Các phiên toà liên tiếp bị hoãn, các bị hại không có mặt tại các phiên toà theo yêu cầu của các bị cáo. Vì sao?
Căn cứ định tội không rõ ràng:
Tại biên bản Kết luận điều tra (kể cả Biên bản kết luận điều tra bổ sung gần nhất) cơ quan điều tra Công an thị xã Gia nghĩa vẫn nhận định “Tại Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra lại, các bị can Lương Văn Quý, Trần Quốc không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, Lương Văn Quý khai rằng các tên riêng được nêu trong bài thơ là do ngẫu hứng, không có chủ ý mà chỉ đưa vào cho đúng nhịp, đúng vần của bài thơ, mục đích là hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đấu tranh chống tham nhũng nhưng 06 tên người trong bài thơ đều trùng với tên 06 đồng chí lãnh đạo của tỉnh Đăk nông và thị xã Gia Nghĩa, địa bàn chống tham nhũng mà bài thơ nêu là thị xã Gia Nghĩa – Đăk Nông” !??. Cơ quan điều tra cho rằng các tên trong bài thơ là nói về các đồng chí Nguyễn Văn Thử (Phó Bí thư Tỉnh ủy), Đặng Đức Yến (Chủ tịch UBND tỉnh), Trần Phương (Phó chủ tịch), Nguyễn Thanh Toàn (Trưởng ban tổ chức Tỉnh Ủy), Võ Văn Hân và Nguyễn Thị Hoa (đều là Phó chủ tịch UBND TX Gia Nghĩa) (Trích nguyên văn Biên bản Kết luận điều tra số 07/KLĐT ngày 22/01/2009). Việc cơ quan điều tra cho rằng các tên trong bài thơ là nói đến các vị lãnh đạo tỉnh và TX chỉ là nhận định chủ quan và ngộ nhận. Đều khó hiểu là trong 06 người nêu trên chỉ có 02 người nhận mình là “bị hại” (ông Hân và bà Hoa).
Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện VKSND kết luận “Trong hồ sơ có đơn yêu cầu khởi tố của ông Võ Văn Hân và bà Nguyễn Thị Hoa nhưng những lời trình bày của ông Hân và bà Hoa cho rằng những cái tên nêu trong bài thơ là ám chỉ mình, đây chỉ là ngộ nhận. Hơn nữa hành vi của các bị cáo chưa đến mức xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác; Bằng chứng là những người bị hại mà tòa án cấp sơ thẩm xác định chưa co dấu hiệu, biểu hiện gì về việc bị xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm. Các bị hại vẫn công tác làm việc bình thường”.
Cơ quan điều tra chỉ dựa vào việc các bị cáo là những người có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo về phương án đền bù giải toả mà cho rằng các bị cáo ám chỉ các đồng chí lãnh đạo như trong bài thơ. Căn cứ này là không thuyết phục và không rõ ràng, cụ thể. Trong quá trình định tội, cơ quan điều tra không căn cứ vào các dấu hiệu của tội phạm quy định tại Điều 121 Bộ Luật hình sự mà chỉ căn cứ vào các chứng cứ, nhận định chủ quan và cho rằng “hành vi của Lương Văn Quý, Trần Quốc đã gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của các đồng chí Võ Văn Hân, Nguyễn Thị Hoa và một số đồng chí lãnh đạo của tỉnh”. Việc bài thơ có trùng với các tên của các đồng chí lãnh đạo như cơ quan điều tra nhận định vẫn chưa đủ cơ sở cho rằng các bị cáo phạm tội, hơn nữa tại các phiên tòa và biên bản điều tra các bị cáo đều khẳng định là mình không có ý làm thơ nói về các lãnh đạo mà chỉ là ngẫu hứng.
Và nếu cơ quan điều tra cho rằng bài thơ nói về các đồng chí lãnh đạo như trên thì cũng cần phải điều tra rõ xem có đúng như bài thơ đã nói hay không!?.
Các bị hại không “ra mặt”, vì sao?
Những người cho rằng mình là “bị hại” nhưng lại không có mặt để đối chất với các bị cáo. Các phiên toà sơ thẩm bị hoãn nhiều lần vì sự vắng mặt không có lý do của người “bị hại”. Phiên toà sơ thẩm ngày 09/7/2008, mặc dù không có mặt các “bị hại” nhưng HĐXX vẫn xét xử.
Việc ông Quý và ông Quốc có nhiều đơn thư khởi kiện về việc cưỡng chế thu hồi đất của UBND TX Gia Nghĩa là có thật (do ông Hân và bà Hoa trực tiếp xử lý) nhưng không thể căn cứ vào đó mà ông Hân và bà Hoa cho rằng các bị cáo làm thơ có tên trùng với tên của mình là ám chỉ mình và làm nhục mình được.
Các phiên tòa sơ thẩm bị hoãn vì sự vắng mặt không có lý do của bị hại nhưng không hiểu sao TAND TX không cho triệu tập các bị hại để đối chất, thậm chí tại phiên tòa sơ thẩm ngày 09/7/2008 và phiên tòa phúc thẩm đều vắng mặt các bị hại, điều khó hiểu nữa là mặc dù các bị cáo yêu cầu triệu tập các bị hại để đối chất nhưng HĐXX vẫn không chấp nhận. Có phải các bị hại là lãnh đạo ở địa phương mà Tòa án không triêu tập đến hay không, có phải Tòa án lo sự có mặt của các bị hại tại phiên tòa sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các bị hại chăng? Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không thể phân biệt cán bộ với người dân, như vậy người dân mới thật sự tin tưởng vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, thiết nghĩ các phiên tòa sắp tới cần thiết phải có mặt các bị hại để có thể làm rõ hơn các nội dung, tình tiết của vụ án.
Các dấu hiệu của tội “Làm nhục người khác”:
Để rộng đường dư luận, tôi xin giới thiệu về các dấu hiệu của tội “Làm nhục người khác” quy định tại Điều 121 BLHS:
Theo cuốn sách “Bình luận khoa học Bộ Luật hình sự, phần các tội phạm tập I” của Đinh Văn Quế - Thạc sỹ luật học, TAND tối cao thì tội “Làm nhục người khác” quy định tại Điều 121 BLHS có các dấu hiệu tội phạm như sau:
Đối với người phạm tội: Người phạm tội phải là người có hành vi (hành động) được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như; lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, thoả mãn thú vui của xác thịt v.v. Tất cả những hành vi này chưa tới mức cấu thành tội phạm như hiếp dâm, cưỡng dâm và không thuộc trường hợp dâm ô với trẻ em mà chỉ xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn cho người bị hại bị nhục. Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như: bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế đe dọa buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình; nhưng tất cả các hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác.
Về phía người bị hại: là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự. Việc xác định như thế nào là nhân phẩm danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng cũng là một vấn đề khá phức tạp, bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau, nhưng có người thấy bị nhục hoặc rất nhục, nhưng có người lại thấy bình thường, không thấy bị nhục. Về phía người phạm tội cũng có nhận thức tương tự như vậy, họ cho rằng với hành vi như thế thì người bị làm nhục sẽ nhục hoặc rất nhục, nhưng người bị hại lại thấy chưa bị nhục. Những chuẩn mực này, nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác được mà phải kết hợp với các yếu tố như: trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình v.v…Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục.
Như vậy, việc xác định một người có phạm tội “Làm nhục người khác” không thể chỉ căn cứ vào một vài tình tiết, những nhận định chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra mà phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau như đã nêu ở trên. Trong vụ án này, cơ quan điều tra chưa làm rõ được ý thức chủ quan của các bị cáo có mong muốn làm cho người bị hại bị nhục hay không, chưa chứng minh được hậu quả mà các bị cáo làm hại cho người bị hại về nhân phẩm, danh dự bị xâm hại nghiêm trọng đến mức nào.
Nhằm tạo lòng tin của người dân vào các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật, thiết nghĩ các cơ quan tố tụng cần phải nhanh chóng làm rõ và giải quyết dứt điểm vụ án này tránh gây dư luận không tốt của người dân đối với các cán bộ và cơ quan bảo vệ pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình ông Quý và ông Quốc yên tâm làm ăn sinh sống./.
THÀNH LUÂN
Cập nhật bởi LawSoft03 vào lúc 17/03/2010 09:01:11