Văn hóa 996 bắt nguồn từ thời kỳ bùng nổ Internet ở Trung Quốc, nơi các công ty khởi nghiệp đã áp dụng nhằm tăng cường hiệu suất làm việc. Vậy văn hoá làm việc 996 là gì? Việt Nam có cho phép làm việc 996 không?
Văn hoá làm việc 996 là gì?
Văn hóa làm việc 996 là mô hình làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, liên tục 6 ngày trong tuần, phổ biến trong các công ty Trung Quốc. Tức là, người lao động sẽ phải làm việc 12 giờ trong 1 ngày, tương đương 72 giờ trong một tuần.
Với chế độ làm việc khắc nghiệt và liên tục, văn hoá làm việc 996 thường dẫn đến kiệt sức và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho những người lao động.
Pháp luật lao động Trung Quốc cũng đã quy định rằng văn hóa làm việc 996 là bất hợp pháp, nhấn mạnh sự khắc nghiệt của nó.
(Thông tin mang tính chất tham khảo)
Việt Nam có cho phép làm việc 996 không?
Theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:
- Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
- Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Đồng thời, Điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về giới hạn số giờ làm thêm như sau:
- Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường, trừ hai trường hợp sau:
+ Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
+ Trường hợp làm việc không trọn thời gian thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
- Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
- Thời giờ quy định tại các khoản 1 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP được giảm trừ khi tính tổng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm để xác định việc tuân thủ quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, hiện nay pháp luật Việt Nam quy định thời giờ làm việc bình thường tối đa là 8 giờ 1 ngày, tương đương 48 giờ 1 tuần. Theo đó, chế độ làm việc 996 là không phù hợp với quy định pháp luật lao động của Việt Nam.
Trường hợp người lao động làm việc 12 giờ 1 ngày thì sẽ phải tính tiền làm thêm giờ, tuy nhiên thời gian tối đa làm thêm giờ (đã cộng với giờ làm việc bình thường) cũng được quy định là không quá 12 giờ 1 ngày.
Công ty bắt người lao động làm việc quá thời giờ làm việc sẽ bị phạt thế nào?
Theo khoản 3, khoản 4 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trong đó:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;
+ Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019.
- Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
+ Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
+ Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
+ Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Đồng thời, Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền trên là là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, đối với công ty bắt người lao động làm việc quá thời giờ làm việc thì tuỳ trường hợp sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng.