Nguyên lãnh đạo Bộ GTVT lên tiếng về phát ngôn của Bộ trưởng Thăng
(GDVN) - "Cá nhân tôi cho rằng, một số phát ngôn gần đây của Bộ trưởng Thăng dường như không được “đúng mực” cho lắm".
Mới đây, khi trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có một phát ngôn gây tranh cãi khi cho rằng đóng phí hạn chế phương tiện cá nhân cũng là sự thể hiện của lòng yêu nước. Ý kiến này ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Có những ý kiến tỏ ra thông cảm với vị “tư lệnh” đang phải “đứng mũi chịu sào” giải quyết vấn nạn giao thông ở Việt Nam nhưng cũng không ít người tỏ vẻ bất bình. Xung quanh phát ngôn bị cho là “nhạy cảm” này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
- Là người từng giữ vị trí lãnh đạo ngành giao thông nhiều năm, ông đánh giá thế nào về phát ngôn “đóng phí cũng là sự thể hiện lòng yêu nước” của Bộ trưởng Thăng?
- Phát ngôn trên có vẻ không được “đúng mực” cho lắm. Tôi còn nhớ, khi đất nước mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh có phát động phong trào “Tuần lễ vàng”, “Quỹ độc lập”… nhằm quyên góp, kêu gọi sự ủng hộ của đồng bào cho chính quyền còn non trẻ. Nhưng tất cả những phong trào đó đều dựa trên tinh thần tự nguyện. Ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, ai không có thì ủng hộ bằng tinh thần. Thực tế, phong trào trên đã khởi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc.
Hay trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, Bác Hồ cũng chỉ “kêu gọi” sự đóng góp của giai cấp tư sản chứ không bao giờ “ép” họ. Điều này đã nhận được sự đồng thuận cao trong dân chúng. Có nhiều nhà tư sản đã ủng hộ hết lòng cho cách mạng.
- Một số ý kiến cho rằng, việc người đứng đầu ngành giao thông nói như vậy là đã đánh tráo khái niệm một cách tùy tiện, dùng mệnh lệnh hành chính để “ép” người dân đóng phí. Vậy quan điểm của ông thế nào?
- Thời nào cũng vậy. Mọi sự đóng góp đều phải dựa trên tinh thần tự nguyện của nhân dân. Chúng ta có thể kêu gọi đóng góp bằng một tuần lễ tiền sẽ có ý nghĩa hơn nhiều việc “ép” nhân dân phải đóng phí. Nếu đúng là vì cái chung, vì đất nước, họ sẽ chẳng tiếc công, thậm chí bỏ cả nhà bỏ cửa để phục vụ sự nghiệp của đất nước. Còn nếu không đúng, chắc chắn sẽ không khiến họ “tâm phục khẩu phục”, gây mất lòng tin.
Thời đại ngày nay, mọi công tác từ thiện cũng đều xuất phát từ thực tâm, từ lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo của mỗi người dân. Bộ trưởng Thăng nói “Đóng phí là sự thể hiện của lòng yêu nước”, vậy người ta sẽ bức xúc, không đóng phí lẽ nào bảo họ không yêu đất nước? Đó là điều bất cập.
- Liên quan đến câu chuyện thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí hạn chế ô tô vào nội đô giờ cao điểm đang gây nhiều tranh cãi. Từng giữ vị trí lãnh đạo ngành giao thông nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?
- Khi xem xét một vấn đề chúng ta phải đặt ở nhiều khía cạnh, góc độ. Thử đặt câu hỏi, bắt người dân đóng phí, tại sao các Bộ trưởng đi xe lại không phải đóng tiền? Tại sao các lãnh đạo lại không tình nguyện đóng góp để ủng hộ cho Nhà nước? Bản chất của việc đi đường cũng giống như quan hệ thị trường, hoạt động dịch vụ thì rõ ràng phải trả phí cho hoạt động đó. Tuy nhiên, đường tốt tôi thu nhiều, đường xấu thu ít. Chứ xe đi một vạn km cũng phải đóng phí như xe đi 1km là không công bằng. Hạn chế phương tiện bằng cách đi nhiều phải mất phí nhiều chứ không thể đánh đồng đi nhiều cũng như đi ít.
Theo bạn có nên áp dụng thu phí giao thông cho mọi đối tượng (cả xe công và xe cá nhân)?
Cập nhật bởi Votanhung ngày 08/04/2012 09:55:22 SA