64/ Bổ sung vốn để phát triển nhà ở thương mại
So với Luật nhà ở 2005, Luật nhà ở 2014 bổ sung thêm nguồn vốn để phát triển nhà ở thương mại:
- Vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
- Tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê, nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
(Căn cứ Điều 69 Luật nhà ở 2014)
65/ Bổ sung vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội
So với Luật nhà ở 2005, Luật nhà ở 2014 bổ sung thêm nguồn vốn thực hiện chính sách nhà ở xã hội:
- Vốn của chủ đầu tư hoặc vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
- Vốn của đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
- Vốn do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; vốn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.
(Căn cứ Điều 70 Luật nhà ở 2014)
66/ Vốn để phát triển nhà ở công vụ
Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước như quy định tại Luật nhà ở 2005, còn thêm nguồn vốn khác.
(Căn cứ Điều 71 Luật nhà ở 2014)
67/ Vốn để phát triển nhà ở phục vụ tái định cư
- Vốn của chủ đầu tư hoặc vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
- Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
- Vốn từ Quỹ phát triển đất.
- Vốn từ tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện giải phóng mặt bằng.
- Nguồn khác.
(Căn cứ Điều 72 Luật nhà ở 2014)
68/ Vốn để phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân
- Vốn của hộ gia đình, cá nhân.
- Vốn hợp tác giữa các hộ gia đình, cá nhân; vốn hỗ trợ của dòng họ, cộng đồng dân cư.
- Vốn vay của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.
- Vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với các trường hợp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa để ở.
- Nguồn khác.
(Căn cứ Điều 73 Luật nhà ở 2014)
69/ Vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển nhà ở xã hội
- Lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài hạn thông qua việc cấp vốn từ ngân sách cho Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện các chương trình mục tiêu về nhà ở và xây dựng nhà ở xã hội.
- Ngân hàng chính sách xã hội được huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho vay. Đồng thời phải lập khoản mục riêng để quản lý và sử dụng nguồn vốn theo đúng mục đích
- Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải tham gia quản lý nguồn vốn và quản lý việc sử dụng nguồn vốn.
(Căn cứ Điều 74 Luật nhà ở 2014)
70/ Nội dung quản lý, sử dụng nhà ở
Ngoài các nội dung quản lý, sử dụng nhà ở quy định tại Luật nhà ở 2005, Luật nhà ở 2014 bổ sung thêm:
- Quản lý hồ sơ về nhà ở.
- Bảo hiểm nhà ở.
- Quản lý, sử dụng nhà ở có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử.
- Quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
(Căn cứ Điều 75 Luật nhà ở 2014)
71/ Làm rõ nội dung bảo hiểm nhà ở
- Nhà nước khuyến khích các chủ sở hữu mua bảo hiểm nhà ở. Đối với nhà ở thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo pháp luật phòng cháy, chữa cháy thì chủ sở hữu nhà ở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
- Hình thức, mức đóng bảo hiểm và thời hạn bảo hiểm nhà ở được thực hiện theo pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và phòng cháy, chữa cháy.
(Căn cứ Điều 78 Luật nhà ở 2014)
72/ Quản lý, sử dụng nhà ở có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử
- Nhà ở có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử gồm cả nhà biệt thự cũ không phân biệt hình thức sở hữu:
+ Được cơ quan có thẩm quyền xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh.
+ Nếu không thuộc trường hợp trên thì thuộc danh mục được UBND cấp tỉnh phê duyệt theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.
- UBND cấp tỉnh lập hội đồng bao gồm đại diện các cơ quan về kiến trúc, xây dựng, văn hóa cấp tỉnh, hội nghề nghiệp và nhà khoa học có liên quan để xác định tiêu chí và danh mục công trình nhà ở có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử trên địa bàn để phê duyệt.
- Quản lý, sử dụng nhà ở có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử phải thực hiện theo pháp luật về di sản văn hóa, trường hợp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì còn phải thực hiện theo quy định quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
- Kinh phí quản lý, bảo tồn, bảo trì, cải tạo các nhà ở thuộc diện được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh và nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do ngân sách nhà nước cấp.
Đối với nhà ở thuộc danh mục được UBND cấp tỉnh phê duyệt theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, trừ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí để chủ sở hữu quản lý, bảo tồn, bảo trì, cải tạo nhà ở này.
(Căn cứ Điều 79 Luật nhà ở 2014)
73/ Các loại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
- Nhà ở công vụ do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc mua bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập thuộc sở hữu nhà nước.
- Nhà ở để phục vụ tái định cư do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn hoặc hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao.
- Nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao.
- Nhà ở cũ được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập thuộc sở hữu nhà nước và đang cho hộ gia đình, cá nhân thuê.
(Căn cứ Điều 80 Luật nhà ở 2014)
74/ Quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
- Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; việc bán, cho thuê, cho thuê mua, thu hồi nhà ở và quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải thực hiện theo đúng quy định.
- Cơ quan sau đây là đại diện chủ sở hữu và phải quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước:
+ Bộ Xây dựng quản lý nhà ở công vụ, nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn trung ương; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đầu tư
+ UBND cấp tỉnh quản lý nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn của địa phương và nhà ở được giao quản lý trên địa bàn.
- Quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có chức năng quản lý vận hành nhà ở thực hiện và được hưởng các cơ chế ưu đãi như đối với dịch vụ công ích.
Lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do cơ quan có thẩm quyền nêu trên quyết định.
- Đối với nhà ở công vụ thì chỉ được sử dụng để cho thuê, đối với nhà ở xã hội thì được xây dựng để cho thuê, cho thuê mua. Trường hợp không còn nhu cầu sử dụng hoặc phải di dời đến địa điểm khác mà không thuộc diện phải phá dỡ hoặc cần tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khác thì Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định để báo cáo Thủ tướng quyết định chuyển đổi công năng sử dụng và quản lý cho thuê hoặc bán.
- Người thuê nhà ở công vụ khi không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở hoặc chuyển đi nơi khác hoặc có hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở mà thuộc diện bị thu hồi thì phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước.
Người trả lại nhà ở công vụ nếu không thuộc diện bị thu hồi nhà ở do có hành vi vi phạm sau:
+ Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện;
+ Bên thuê, thuê mua nhà ở không nộp tiền thuê nhà ở từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;
+ Bên thuê, bên thuê mua sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở hoặc tự ý chuyển đổi, bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở hoặc tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê, thuê mua
Đồng thời, chưa có nhà ở tại nơi sinh sống sau khi trả lại nhà công vụ thì cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng người này có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi người đó sinh sống căn cứ vào tình hình cụ thể để giải quyết cho thuê, cho thuê mua, mua nhà ở xã hội hoặc giao đất ở để họ xây dựng nhà ở.
(Căn cứ Điều 81 Luật nhà ở 2014)
75/ Đối tượng, điều kiện được thuê, thuê mua, mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
- Đối tượng được thuê, thuê mua, mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước:
+ Đối tượng được thuê nhà ở công vụ và học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập chỉ được thuê nhà ở.
+ Người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ trong trường hợp không còn đủ điều kiện được thuê hoặc chuyển đi nơi khác hoặc có hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng nhà ở mà thuộc diện bị thu hồi được xem xét giải quyết cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
+ Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở nếu chưa được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội thì được giải quyết thuê, thuê mua, mua nhà ở để phục vụ tái định cư.
+ Hộ gia đình, cá nhân thuê nhà ở cũ được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập thuộc sở hữu nhà nước được giải quyết cho thuê hoặc mua nhà ở đó.
- Điều kiện được thuê, thuê mua, mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước:
+ Đối tượng được thuê nhà ở công vụ phải đáp ứng điều kiện được thuê nhà ở công vụ.
+ Đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trong trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội. Nếu là hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở thì còn phải thuộc diện chưa được bố trí nhà ở, đất ở tái định cư;
+ Đối tượng được thuê, thuê mua, mua nhà ở để phục vụ tái định cư phải thuộc diện bị thu hồi đất, giải tỏa nhà ở theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và chưa được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội.
+ Đối tượng được thuê hoặc mua nhà ở cũ phải đang thực tế sử dụng nhà ở đó và có nhu cầu thuê hoặc mua nhà ở này.
(Căn cứ Điều 82 Luật nhà ở 2014)
76/ Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
- Phải bảo đảm công khai, minh bạch.
- Ngoài phải đáp ứng các yêu cầu trên và các quy định về giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà thì còn phải thực hiện các quy định sau:
+ Trường hợp thuê nhà ở công vụ thì phải thực hiện theo nguyên tắc xác định giá thuê nhà ở công vụ.
+ Trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở để phục vụ tái định cư thì phải thực hiện theo nguyên tắc phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư và mua nhà ở thương mại, sử dụng nhà ở xã hội để phục vụ tái định cư.
+ Trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội thì phải thực hiện theo nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội và bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
+ Trường hợp cho thuê, bán nhà ở cũ thì nhà ở đó phải không có khiếu kiện, tranh chấp về quyền sử dụng và thuộc diện được cho thuê hoặc được bán theo quy định của pháp luật về nhà ở.
- Hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở (hợp đồng về nhà ở) phải có các nội dung sau:
+ Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;
+ Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;
+ Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó
+ Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
+ Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn;
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên;
+ Cam kết của các bên;
+ Các thỏa thuận khác;
+ Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
+ Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
+ Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
- Việc ký kết hợp đồng được quy định như sau:
+ Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở xã hội hoặc mua bán nhà ở cũ thì hợp đồng được ký giữa bên mua, bên thuê mua với cơ quan quản lý nhà ở.
+ Trường hợp thuê, thuê mua, mua bán nhà ở để phục vụ tái định cư thì hợp đồng được ký giữa người được tái định cư với đơn vị được giao bố trí tái định cư.
+ Trường hợp thuê nhà ở gồm thuê nhà ở cũ, thuê nhà ở công vụ, thuê nhà ở xã hội thì hợp đồng được ký giữa bên thuê với cơ quan quản lý nhà ở hoặc đơn vị được giao quản lý vận hành nhà ở đó.
(Căn cứ Điều 83, 121 Luật nhà ở 2014)
77/ Làm rõ và bổ sung các trường hợp thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
Bao gồm các trường hợp:
- Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện.
- Hết thời hạn thuê theo hợp đồng mà bên thuê không còn nhu cầu thuê tiếp hoặc khi hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở.
- Bên thuê, bên thuê mua trả lại nhà ở đang thuê, thuê mua.
- Bên thuê không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở.
- Bên thuê chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà không có ai đang cùng sinh sống; trường hợp thuê nhà ở công vụ thì khi người được thuê nhà ở công vụ chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án.
- Bên thuê, thuê mua nhà ở không nộp tiền thuê nhà ở từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng.
- Nhà ở cho thuê, cho thuê mua thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Bên thuê, bên thuê mua sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở hoặc tự ý chuyển đổi, bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở hoặc tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê, thuê mua.
Người đang thuê, thuê mua nhà ở thuộc diện bị thu hồi theo các trường hợp trên phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị được giao quản lý nhà ở; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở quyết định cưỡng chế thu hồi; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi.
(Căn cứ Điều 84 Luật nhà ở 2014)
78/ Điều chỉnh nội dung bảo hành nhà ở
- Tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở phải bảo hành thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định.
Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở.
Bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng thiết bị thực hiện trách nhiệm bảo hành.
- Nhà ở được bảo hành từ khi hoàn thành xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn:
+ Nhà chung cư: tối thiểu 60 tháng.
+ Nhà ở riêng lẻ: tối thiểu 24 tháng.
- Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở.
Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.
(Căn cứ Điều 85 Luật nhà ở 2014)
79/ Cụ thể hóa nội dung bảo trì nhà ở
- Chủ sở hữu nhà ở phải bảo trì nhà ở. Trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu thì người đang quản lý, sử dụng có trách nhiệm bảo trì nhà ở đó.
- Nhà ở có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử bao gồm cả nhà biệt thự cũ không phân biệt hình thức sở hữu còn phải thực hiện theo quy định pháp luật về kiến trúc, quy hoạch và pháp luật về tu bổ, bảo quản, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa.
- Chủ sở hữu, đơn vị thực hiện bảo trì nhà ở phải bảo đảm an toàn cho người, tài sản và bảo đảm vệ sinh, môi trường trong quá trình bảo trì nhà ở, trường hợp bảo trì nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì còn phải thực hiện theo quy định về bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
(Căn cứ Điều 86 Luật nhà ở 2014)
80/ Cụ thể hóa và bổ sung nội dung cải tạo nhà ở
- Chủ sở hữu nhà ở được cải tạo nhà ở thuộc sở hữu của mình; người không phải là chủ sở hữu nhà ở chỉ được cải tạo nhà ở nếu được chủ sở hữu đồng ý. (trước đây, phải có sự đồng ý bằng văn bản).
- Trường hợp pháp luật quy định phải lập dự án để cải tạo nhà ở thì phải thực hiện theo dự án được phê duyệt. Đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì việc cải tạo nhà ở còn phải thực hiện theo quy định về bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
- Nhà ở có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử bao gồm cả nhà biệt thự cũ không phân biệt hình thức sở hữu còn phải thực hiện theo quy định pháp luật về kiến trúc, quy hoạch và pháp luật về tu bổ, bảo quản, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa. Trường hợp pháp luật có quy định phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trước khi cải tạo thì chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà ở phải thực hiện theo văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
- Đối với nhà biệt thự cũ thuộc danh mục xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh; danh mục được UBND cấp tỉnh phê duyệt theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền thì còn phải tuân thủ:
+ Không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của nhà biệt thự.
+ Không được phá dỡ nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh; trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của nhà biệt thự cũ.
+ Không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài nhà biệt thự.
(Căn cứ Điều 87 Luật nhà ở 2014)
81/ Cụ thể hóa quyền và bổ sung nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở trong việc bảo trì, cải tạo nhà ở
So với Luật nhà ở 2005, Luật nhà ở 2014 cụ thể hóa quyền cho chủ sở hữu, đồng thời về nghĩa vụ vẫn giữ nguyên và bổ sung thêm trường hợp chưa dự liệu được.
Quyền
|
Nghĩa vụ
|
- Được tự thực hiện việc bảo trì, cải tạo hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì, cải tạo; trường hợp pháp luật quy định phải do đơn vị, cá nhân có năng lực hành nghề xây dựng thực hiện thì phải thuê đơn vị, cá nhân có năng lực thực hiện bảo trì, cải tạo
|
- Nghĩa vụ khác (trường hợp này pháp luật chưa dự liệu được nên bổ sung vào)
|
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng trong trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, tạo điều kiện cho việc bảo trì, cải tạo nhà ở khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng
|
|
- Quyền khác (trường hợp này pháp luật chưa dự liệu được nên bổ sung vào)
|
|
(Căn cứ Điều 88 Luật nhà ở 2014)
82/ Điều chỉnh việc bảo trì, cải tạo nhà ở đang cho thuê
- Bên cho thuê nhà ở có quyền cải tạo nhà ở khi có sự đồng ý của bên thuê nhà ở, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng; bên thuê nhà ở phải để bên cho thuê nhà ở bảo trì, cải tạo nhà ở.
- Bên thuê nhà ở có quyền yêu cầu bên cho thuê nhà ở bảo trì nhà ở, trừ trường hợp nhà ở bị hư hỏng do bên thuê gây ra; trường hợp bên cho thuê không bảo trì nhà ở thì bên thuê được quyền bảo trì nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên cho thuê biết trước ít nhất 15 ngày.
Văn bản thông báo phải ghi rõ mức độ bảo trì và kinh phí thực hiện. Bên cho thuê nhà ở phải thanh toán kinh phí bảo trì cho bên thuê nhà ở hoặc trừ dần vào tiền thuê nhà.
(Căn cứ Điều 89 Luật nhà ở 2014)
83/ Bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
- Bảo trì, cải tạo nhà ở phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo pháp luật xây dựng.
- Trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà ở cho phép bên thuê nhà ở tự bỏ kinh phí để cải tạo thì phần nhà ở được cải tạo vẫn thuộc sở hữu nhà nước, tổ chức được giao quản lý nhà ở đó có trách nhiệm hoàn trả kinh phí cho bên thuê nhà ở hoặc trừ dần vào tiền thuê nhà ở.
(Căn cứ Điều 90 Luật nhà ở 2014)
84/ Điều chỉnh nội dung bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu chung
- Việc bảo trì, cải tạo nhà ở thuộc sở hữu chung phải được các chủ sở hữu đồng ý. (Trước đây, yêu cầu các chủ sở hữu phải đồng ý bằng văn bản)
- Kinh phí bảo trì, cải tạo phần sở hữu chung được phân chia tương ứng với phần quyền sở hữu của từng chủ sở hữu, trừ trường hợp các chủ sở hữu có thỏa thuận khác.
Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì việc đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung được thực hiện như sau:
+ Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích khác bán, cho thuê mua; khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người mua, thuê mua phải đóng khi nhận bàn giao và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua.
+ Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó.
+ Nếu kinh phí bảo trì như trên không đủ để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.
+ Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư trước 01/07/2006 mà chưa thu kinh phí bảo trì phần sở hữu chung thì các chủ sở hữu nhà chung cư họp Hội nghị nhà chung cư để thống nhất mức đóng góp kinh phí này; mức đóng góp kinh phí có thể được nộp hằng tháng vào tài khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam do Ban quản trị nhà chung cư lập hoặc được đóng khi phát sinh công việc cần bảo trì.
+ Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư sau 01/07/2006 mà trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở không có thỏa thuận về kinh phí bảo trì thì chủ đầu tư phải đóng khoản tiền này; trường hợp trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở mà giá mua, giá thuê mua chưa tính kinh phí bảo trì thì chủ sở hữu thực hiện đóng khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung như trường hợp trên.
+ Trường hợp nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh mà phân chia được riêng biệt các khu chức năng khác nhau trong cùng một tòa nhà bao gồm khu chức năng căn hộ, khu chức năng kinh doanh, dịch vụ và mỗi khu chức năng này có phần sở hữu chung được tách biệt với phần sở hữu chung của cả tòa nhà, được quản lý, vận hành độc lập thì chủ đầu tư và người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua việc phân chia tỷ lệ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung thành nhiều phần để quản lý, sử dụng như sau: Đối với phần kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung của cả tòa nhà và phần sở hữu chung của khu căn hộ thì được chuyển vào tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng; phần của khu kinh doanh, dịch vụ thì chủ sở hữu khu kinh doanh, dịch vụ được tự quản lý, sử dụng để bảo trì phần sở hữu chung của khu chức năng này.
(Căn cứ Điều 91, 108, Khoản 4 Điều 109 Luật nhà ở 2014)
(Còn tiếp – sẽ tiếp tục cập nhật cho đến khi hoàn thành)
Cập nhật bởi nguyenanh1292 ngày 31/01/2015 04:53:28 CH