Tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền

Chủ đề   RSS   
  • #606392 26/10/2023

    Tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền

    Kinh tế - xã hội càng phát triển cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện nhiều loại tội phạm tinh vi, nguy hiểm. Tội phạm rửa tiền là một trong những loại tội phạm đó. Vậy pháp luật có các tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền như thế nào?
     
    1.  Nguyên tắc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền
     
    Theo Điều 3 Nghị định 19/2023/NĐ-CP, nguyên tắc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được quy định như sau:
     
    - Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo các tiêu chí, phương pháp được pháp luật quy định, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
     
    - Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền phải xác định được mức độ rủi ro về rửa tiền của quốc gia.
     
    - Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền là cơ sở để xây dựng kế hoạch thực hiện sau đánh giá và cập nhật chính sách, chiến lược về phòng, chống rửa tiền tương ứng trong từng thời kỳ.
     
    - Thông tin, tài liệu, dữ liệu phục vụ việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thu thập từ cơ sở dữ liệu của các cơ quan có thẩm quyền, đối tượng báo cáo, tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
     
    2. Tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền
     
    Theo Điều 4 Nghị định 19/2023/NĐ-CP, tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được quy định như sau:
     
    - Tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền bao gồm tiêu chí nguy cơ rửa tiền; tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền và tiêu chí hậu quả rửa tiền của quốc gia và của ngành, lĩnh vực.
     
    - Tiêu chí nguy cơ rửa tiền bao gồm tiêu chí nguy cơ rửa tiền từ tội phạm nguồn của tội rửa tiền và tiêu chí nguy cơ rửa tiền đối với ngành, lĩnh vực, cụ thể như sau:
     
    + Tiêu chí nguy cơ rửa tiền từ tội phạm nguồn của tội rửa tiền bao gồm nguy cơ rửa tiền từ từng tội phạm nguồn trong nước và xuyên quốc gia được đánh giá;
     
    + Tiêu chí nguy cơ rửa tiền đối với ngành, lĩnh vực bao gồm nguy cơ rửa tiền từ từng ngành, lĩnh vực trong nước và xuyên quốc gia được đánh giá.
     
    - Tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền bao gồm tính toàn diện của khuôn khổ pháp lý và tính hiệu quả của việc thực hiện quy định pháp luật, cụ thể như sau:
     
    + Tiêu chí tính toàn diện của khuôn khổ pháp lý bao gồm tính đầy đủ của các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống rửa tiền của quốc gia và của ngành, lĩnh vực;
     
    + Tiêu chí tính hiệu quả của việc thực hiện quy định pháp luật bao gồm tính hiệu quả của việc thực hiện quy định pháp luật của quốc gia; của ngành, lĩnh vực và mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền gắn với một số sản phẩm, dịch vụ chính của ngành, lĩnh vực.
     
    - Tiêu chí hậu quả của rửa tiền bao gồm:
     
    + Tiêu chí tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với nền kinh tế;
     
    + Tiêu chí tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với hệ thống tài chính;
     
    + Tiêu chí tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với ngành, lĩnh vực;
     
    + Tiêu chí tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với xã hội.
     
    3. Thu thập, xử lý và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền
     
    Việc thu thập, xử lý và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền được quy định tại Điều 10 Nghị định 19/2023/NĐ-CP như sau:
     
    - Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo lưu trữ tại tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và thông tin, hồ sơ, tài liệu tổ chức, cá nhân tiếp nhận, thu thập được trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phục vụ công tác phân tích, trao đổi, cung cấp và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền.
     
    - Tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đúng thời hạn yêu cầu.
     
    - Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện xử lý, phân tích thông tin, báo cáo nhận được, bao gồm:
     
    + Phân tích và xử lý thông tin dựa trên nguồn thông tin sẵn có và thu thập bổ sung để xác định các xu hướng và mô hình rửa tiền nhằm xây dựng chiến lược và mục tiêu phòng, chống rửa tiền trong ngành, lĩnh vực, quốc gia trong từng giai đoạn nhất định;
     
    + Phân tích và xử lý thông tin dựa trên nguồn thông tin sẵn có và thu thập bổ sung để lần theo dấu giao dịch, xác định các mối liên hệ, các hoạt động có nghi ngờ liên quan tới rửa tiền hoặc hoạt động tội phạm khác.
     
    Như vậy, rửa tiền là một hành vi phạm tội nguy hiểm, phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế và đẩy lùi sự phát triển của quốc gia. Do đó cần có những tiêu chí đánh giá rủi ro tại Điều 4 Nghị định 19/2023/NĐ-CP để có những biện pháp hiệu quả, đặc biệt là các biện pháp pháp lý để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi rửa tiền.           
     
     
    307 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận