50. Cụ thể nội dung báo cáo thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết
- Báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra về những vấn đề thuộc nội dung thẩm tra quy định, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
- Báo cáo thẩm tra phải phản ánh đầy đủ ý kiến của thành viên cơ quan chủ trì thẩm tra, ý kiến của cơ quan tham gia thẩm tra về nội dung dự án, dự thảo; về việc dự án, dự thảo đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình UBTVQH, Quốc hội.
Trong trường hợp cơ quan chủ trì thẩm tra có ý kiến dự án, dự thảo chưa đủ điều kiện trình UBTVQH, Quốc hội thì báo cáo UBTVQH xem xét trả lại hồ sơ cho cơ quan trình dự án, dự thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo.
(Căn cứ Điều 67 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
51. Bổ sung nội dung thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới
Nội dung thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới bao gồm:
- Xác định vấn đề giới trong dự án, dự thảo.
- Việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong dự án, dự thảo.
- Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo.
- Tính khả thi của các quy định trong dự án, dự thảo để bảo đảm bình đẳng giới.
(Căn cứ Điều 69 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
52. Bổ sung nội dung vào trình tự xem xét, cho ý kiến của UBTVQH
Đại diện Chính phủ phát biểu ý kiến về dự án, dự thảo không do Chính phủ trình;
(Căn cứ Điều 71 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
53. Phân định vai trò cho Bộ Tư Pháp trong nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự án, dự thảo
- Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự thảo nghị quyết có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự án, dự thảo.
Đối với dự án, dự thảo do Chính phủ trình thì người được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền trình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự án, dự thảo, trừ trường hợp cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự thảo nghị quyết có ý kiến khác với ý kiến của UBTVQH thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
(Căn cứ Điều 72 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
54. Sửa đổi một số nội dung xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết
- Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại một hoặc hai kỳ họp Quốc hội; trường hợp dự án luật lớn, nhiều điều, khoản có tính chất phức tạp thì Quốc hội có thể xem xét, thông qua tại ba kỳ họp.
Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, hồ sơ dự án, dự thảo trình Quốc hội phải được gửi đến các đại biểu Quốc hội.
- Tờ trình, dự thảo văn bản và báo cáo thẩm tra về dự án, dự thảo được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.
(Căn cứ Điều 73 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
55. Sửa đổi nội dung tại các bước trong trình tự xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại một kỳ họp Quốc hội
Tại bước 6:
Sau khi dự án, dự thảo được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, UBTVQH chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo trình tự sau:
- Cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Chậm nhất là 07 ngày (hiện nay là 05 ngày) trước ngày Quốc hội biểu quyết thông qua, dự thảo được gửi đến Thường trực Ủy ban pháp, luật để rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản. Thường trực Ủy ban pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo tổ chức việc rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật.
Tại bước 7.
7. UBTVQH báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có ý kiến khác hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
(Căn cứ Điều 74 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
56. Bổ sung vào các bước của trình tự xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại 2 kỳ họp Quốc hội
* Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, UBTVQH chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo trình tự:
- Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Thường trực Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.
Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức phiên họp có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý.
- UBTVQH xem xét, thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý; trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan thẩm tra trong việc giải trình, tiếp thu, chính lý dự thảo thì đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình, dự án, dự thảo báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.
- UBTVQH gửi dự thảo đã được chỉnh lý và báo cáo giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý dự thảo đến Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tổ chức thảo luận, góp ý kiến và gửi báo cáo tổng hợp ý kiến đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
- Cơ quan chủ trì thẩm tra tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình UBTVQH.
* Tại kì họp thứ hai:
- Đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có ý kiến khác hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
- Quốc hội thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án, dự thảo.
- UBTVQH chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.
- Chậm nhất là 07 ngày trước (hiện nay là 05 ngày) ngày biểu quyết thông qua, dự thảo được gửi đến Thường trực Ủy ban pháp luật để rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản. Thường trực Ủy ban pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo tổ chức việc rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật.
- Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo. Trong trường hợp dự thảo còn vấn đề có ý kiến khác nhau thì Quốc hội biểu quyết về vấn đề đó theo đề nghị của UBTVQH trước khi biểu quyết thông qua dự thảo.
- Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực luật, nghị quyết của Quốc hội.
Trong trường hợp dự thảo chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần thì Quốc hội xem xét, quyết định việc trình lại hoặc xem xét, thông qua tại kỳ họp tiếp theo theo đề nghị của UBTVQH.
(Căn cứ Điều 75 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
57. Ban hành thêm quy định về trình tự xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp Quốc hội
Luật ban hành VBQPPL 2008 không quy định việc phát sinh có 3 kỳ họp Quốc hội, nhận thấy tình hình trước mắt nhiều dự án Luật lớn cần phải xem xét, thông qua trong 3 kỳ họp Quốc hội. Do vậy, Luật ban hành VBQPPL 2015 bổ sung thêm trình tự này:
- Tại kỳ họp thứ nhất, trình tự xem xét, thảo luận dự án luật được thực hiện theo quy định nêu trên.
- Trong thời gian giữa kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ hai của Quốc hội, việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật được thực hiện theo trình tự:
+ Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
+ Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật theo quyết định của UBTVQH (nếu có).
+ Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức thẩm tra dự án luật đã được chỉnh lý.
+ UBTVQH xem xét, cho ý kiến về việc chỉnh lý dự thảo luật theo trình tự quy định. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo luật theo quy định.
- Tại kỳ họp thứ hai:
+ Đại diện cơ quan, tổ chức, đại diện Quốc hội trình dự án luật trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật (nếu có).
+ Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật đã được chỉnh lý.
+ Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự án luật. Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, dự án luật có thể được thảo luận ở Tổ đại biểu Quốc hội.
Trong quá trình thảo luận, đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật có trách nhiệm giải trình về những vấn đề liên quan đến dự án mà đại biểu Quốc hội nêu.
+ Đối với những vấn đề quan trọng, những vấn đề lớn của dự án luật còn có ý kiến khác nhau thì Quốc hội tiến hành biểu quyết theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, Tổng thư ký Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan giúp UBTVQH dự kiến những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật trình Quốc hội biểu quyết.
+ UBTVQH chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội và kết quả biểu quyết làm cơ sở cho việc chỉnh lý.
- Trong thời gian giữa kỳ họp thứ hai và kỳ họp thứ ba của Quốc hội, UBTVQH chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo trình tự:
+ Cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức phiên họp có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật đã được chỉnh lý.
+ UBTVQH xem xét, thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật đã được chỉnh lý; trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan thẩm tra trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo thì đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
+ UBTVQH gửi dự thảo luật đã được chỉnh lý và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo đến Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tổ chức thảo luận, góp ý kiến và gửi báo cáo tổng hợp ý kiến đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
+ Cơ quan chủ trì thẩm tra tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình UBTVQH.
- Tại kỳ họp thứ ba, trình tự xem xét, thông qua dự thảo luật được thực hiện như đối với kỳ họp thứ 2 của Quốc hội theo quy định.
Trong trường hợp dự thảo luật chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần thì Quốc hội xem xét, quyết định theo đề nghị của UBTVQH.
(Căn cứ Điều 76 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
58. Sửa đổi và bổ sung một số nội dung trình tự xem xét, thông qua dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của UBTVQH
- UBTVQH xem xét, thông qua dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết tại một phiên họp theo trình tự:
+ Đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo thuyết trình về dự án, dự thảo.
+ Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra.
+ Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến.
+ UBTVQH thảo luận, chủ tọa phiên họp kết luận.
+ Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Thường trực Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.
Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức phiên họp có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý.
+ Chậm nhất là 07 ngày (hiện nay là 03 ngày) trước ngày biểu quyết thông qua, dự thảo được gửi đến Thường trực Ủy ban pháp luật để rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản. Thường trực Ủy ban pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo tổ chức việc rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật.
+ Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có ý kiến khác hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.
+ UBTVQH biểu quyết thông qua dự thảo. Trong trường hợp dự thảo còn vấn đề có ý kiến khác nhau thì Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết về những vấn đề đó theo đề nghị của chủ tọa phiên họp trước khi biểu quyết thông qua dự thảo.
+ Chủ tịch Quốc hội ký pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH.
- UBTVQH xem xét, thông qua dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết tại hai phiên họp theo trình tự:
+ Tại phiên họp thứ nhất, việc trình và thảo luận được thực hiện theo trình tự: Đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo thuyết trình về dự án, dự thảo - Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra - Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến - UBTVQH thảo luận, chủ tọa phiên họp kết luận.
UBTVQH thảo luận, biểu quyết những vấn đề quan trọng, những vấn đề lớn của dự án, dự thảo theo đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra để làm cơ sở cho việc chỉnh lý.
+ Trong thời gian giữa hai phiên họp, cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Thường trực Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo sự chỉ đạo của UBTVQH.
Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức phiên họp có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý.
+ Chậm nhất là 05 ngày (hiện nay là 03 ngày) trước ngày biểu quyết thông qua, dự thảo được gửi đến Thường trực Ủy ban pháp luật để rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản. Thường trực Ủy ban pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo tổ chức việc rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật.
+ Tại phiên họp thứ hai, đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo UBTVQH về việc chỉnh lý dự thảo.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có ý kiến khác hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.
+ UBTVQH biểu quyết thông qua dự thảo. Trong trường hợp dự thảo còn vấn đề có ý kiến khác nhau thì UBTVQH biểu quyết về vấn đề đó theo đề nghị của chủ tọa phiên họp trước khi biểu quyết thông qua dự thảo.
+ Chủ tịch Quốc hội ký pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH.
(Căn cứ Điều 77 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
59. Công bố luật, pháp lệnh, nghị quyết
Tại quy định này, bổ sung các nội dung về thời hạn công bố luật, pháp lệnh trong trường hợp được xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
- Chủ tịch nước công bố luật, pháp lệnh chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua.
Đối với pháp lệnh đã được UBTVQH thông qua mà Chủ tịch nước đề nghị UBTVQH xem xét lại theo quy định thì chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, Chủ tịch nước gửi văn bản đến UBTVQH yêu cầu xem xét lại.
UBTVQH có trách nhiệm xem xét lại những vấn đề mà Chủ tịch nước có ý kiến tại phiên họp gần nhất. Sau khi pháp lệnh được UBTVQH biểu quyết, thông qua lại thì Chủ tịch nước công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày UBTVQH thông qua lại. Trong trường hợp Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.
Đối với luật, pháp lệnh được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì Chủ tịch nước công bố luật, pháp lệnh chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua.
- Tổng thư ký Quốc hội công bố nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của UBTVQH chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nghị quyết được thông qua.
Đối với nghị quyết được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì Tổng thư ký Quốc hội công bố nghị quyết chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày nghị quyết được thông qua.
(Căn cứ Điều 80 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
(Còn nữa)