Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp có giá trị cao nhất, kế đến là các Luật và Pháp lệnh. Thế nhưng, trong các Luật và Pháp lệnh này, thì Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhất, bởi lẽ việc Luật này quy định hệ thống các văn bản pháp luật, hiệu lực về thời gian, hiệu lực về không gian của các văn bản luật…
Nắm bắt được những thiếu sót cần phải hoàn thiện, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 ra đời thay thế Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, với khá nhiều điểm mới đáng chú ý.
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm ra các điểm mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Chú thích: Bài viết có sử dụng một số từ ngữ viết tắt như sau:
VBQPPL: Văn bản quy phạm pháp luật. VKSND: Viện kiểm sát nhân dân.
UBTVQH: Ủy ban Thường vụ Quốc hội. HĐND: Hội đồng nhân dân.
TAND: Tòa án nhân dân. UBND: Ủy ban nhân dân.
1. Quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Nội dung được đề cập tại Luật này sẽ bao gồm: nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Lưu ý: Luật này không quy định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.
(Căn cứ Điều 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
2. Giải thích rõ các ngữ nghĩa được dùng trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
- Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
- Đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng văn bản đó sau khi được ban hành.
- Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh là việc Ủy ban thường vụ Quốc hội làm rõ tinh thần, nội dung của điều, khoản, điểm trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh để có nhận thức, thực hiện, áp dụng đúng, thống nhất pháp luật.
(Căn cứ Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
3. Bộ luật có chỗ đứng rõ ràng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Theo đó, hệ thống VBQPPL được sắp xếp lại theo thứ tự giá trị cao nhất đến giá trị thấp nhất. Cụ thể:
- Hiến pháp.
- Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
- Pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
- Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
- Thông tư của Chánh án TAND tối cao; thông tư của Viện trưởng VKSND tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao với Viện trưởng VKSND tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
- Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.
- Quyết định của UBND cấp tỉnh.
- VBQPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Nghị quyết của HĐND cấp huyện.
- Quyết định của UBND cấp huyện.
- Nghị quyết của HĐND cấp xã.
- Quyết định của UBND cấp xã.
(Căn cứ Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
4. Cụ thể hóa một số nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật
- Bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của VBQPPL; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong VBQPPL; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
- Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL.
(Căn cứ Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
5. Bổ sung đối tượng được tham gia đóng góp ý kiến
Ngoài các đối tượng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, bổ sung thêm các đối tượng sau:
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
- Các tổ chức thành viên khác của Mặt trận.
(Căn cứ Điều 6 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
6. Bổ sung tiểu mục vào bố cục của văn bản quy phạm pháp luật
- Tùy theo nội dung, VBQPPL có thể được bố cục theo phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm.
- UBTVQH quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước.
Chính phủ quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL của các cơ quan, người có thẩm quyền khác được quy định trong Luật này.
(Căn cứ Điều 7 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
7. Việc dịch văn bản quy phạm pháp luật có giá trị tham khảo
Ngoài việc quy định VBQPPL có thể được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài như trước đây. Luật này bổ sung nội dung sau: bản dịch có giá trị tham khảo.
(Căn cứ Điều 9 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
8. Bổ sung nội dung văn bản quy định chi tiết
Với mục đích đảm bảo các luật, pháp lệnh có thể được thi hành từ khi có hiệu lực, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định thêm nội dung:
Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết.
(Căn cứ Điều 11 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
9. Cụ thể hóa việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hay đình chỉ thi hành văn bản quy phạm pháp luật
- Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.
Văn bản bãi bỏ VBQPPL phải được đăng Công báo, niêm yết theo quy định.
- Khi ban hành VBQPPL, cơ quan ban hành văn bản phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới ngay trong văn bản mới đó.
Trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của VBQPPL mà mình đã ban hành trái với quy định của VBQPPL mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi VBQPPL mới có hiệu lực.
(Căn cứ Điều 12 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)
(Còn nữa)