Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản"

Chủ đề   RSS   
  • #265394 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản"

    Số hiệu

    36/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản"

    Ngày ban hành

    27/11/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 27 tháng 11 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp thừa kế tài sản” giữa:

    Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh năm 1946; trú tại phòng 12, nhà 4 tập thể khu 1 Đại học Cần Thơ, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; tạm trú tại số 44, tổ 13, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.   

    Bị đơn: Ông Nguyễn Ngọc Đĩnh, sinh năm 1943 (chết ngày 15-10-2007); trú tại số 34A, An Trạch, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Nguyễn Thị Mỹ, sinh năm 1952; trú tại số 34A, An Trạch, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; tạm trú tại số 22 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

    2. Chị Nguyễn Thị Mỹ Bình, sinh năm 1973; trú tại số 22 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

    3. Anh Nguyễn Ngọc Đại, sinh năm 1983; trú tại số số 34A, An Trạch, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; tạm trú tại số 22 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

    4. Cháu Đặng Ngọc Quốc Khánh, sinh 1998;   

    5. Cháu Đặng Ngọc Khánh Linh, sinh năm 2004;   

    Cùng trú tại số 22 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội; do chị Nguyễn Thị Mỹ Bình làm giám hộ. 

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện ngày 23-3-2004 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hồng Vân trình bày:

    Cố Quách Thị Trang có ba người con gái là các cụ Tạ Thị Bê, Tạ Thị Hoa, Tạ Thị Hoà. Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Luật, cụ Tạ Thị Bê có 2 người con chung là ông Nguyễn Ngọc Đĩnh và bà Vân.

    Căn nhà số 22 phố Hàng Bồ trên thửa đất số 299, tờ bản đồ số 5, khu C, bằng khoán điền thổ số 538 Nhà Thờ đứng tên cố Quách Thị Đoan (em của cố Trang) 1/2 nhà và các cụ Bê, cụ Hoa, cụ Trịnh Đình Huyền (chồng cụ Hoà) đứng tên 1/2 nhà còn lại. Gia đình cụ Hoa và gia đình cụ Huyền di cư vào Nam trước năm 1954. Năm 1953, cố Đoan chuyển đến ở tại phố Lương Văn Can, để cho vợ chồng cụ Bê cùng anh em bà Vân quản lý toàn bộ nhà đất tại số 22 Hàng Bồ.

     Năm 1961, cố Đoan và cụ Bê đã kê khai và bàn giao cho Nhà nước quản lý căn nhà số 22 Hàng Bồ cùng một số ngôi nhà khác (có nguồn gốc của gia đình cố Trang, cố Đoan) và được nhận diện tích nhà để lại, cụ thể là cố Đoan được sử dụng 23,1m2 tại căn nhà số 52 Hàng Nón, cụ Bê được sử dụng diện tích 40,12m2 tại căn nhà số 22 Hàng Bồ.

    Năm 1965, cụ Luật và ông Đĩnh đã tách hộ khẩu từ nhà số 22 Hàng Bồ chuyển về ở tại nhà số 34A An Trạch, phường Quốc Tử Giám (nhà thờ họ Nguyễn). Năm 1976, vợ chồng bà Vân chuyển vào thành phố Cần Thơ sinh sống. Năm 1986, cụ Luật chết, không để lại di chúc.

    Ngày 08-6-1991, cụ Bê được Sở Nhà đất thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận diện tích nhà được để lại sau cải tạo nhà cửa đối với căn nhà số 22 Hàng Bồ. Ngày 02-8-1991, cụ Bê lập di chúc để lại toàn bộ căn nhà số 22 Hàng Bồ cho bà Vân; di chúc có chứng nhận của Công chứng Nhà nước ngày 20-8-1991.

    Quá trình ở tại nhà số 34A An Trạch, ông Đĩnh có bán 550 mđất (thuộc phần đất của nhà thờ họ Nguyễn) và đưa cho cụ Bê 2/3 số tiền bán đất và cụ Bê có cho bà Vân 10 triệu đồng. Năm 2003, cụ Bê chết. Bà Vân yêu cầu được hưởng thừa kế căn nhà 22 Hàng Bồ theo di chúc của cụ Bê và yêu cầu ông Đĩnh cùng vợ con trả nhà đất nêu trên, đồng thời bà Vân đồng ý thanh toán giá trị phần sửa chữa, làm thêm mà gia đình ông Đĩnh bỏ ra trong quá trình quản lý, sử dụng căn nhà 22 Hàng Bồ.

    Bị đơn là ông Nguyễn Ngọc Đĩnh trình bày:  Ông Đĩnh thống nhất với lời trình bày của bà Vân về quan hệ huyết thống, về nguồn gốc và quá trình sử dụng căn nhà số 22 Hàng Bồ, nhưng cho rằng sau khi lập gia đình thì vợ chồng ông Đĩnh vẫn ở tại căn nhà số 22 Hàng Bồ để bán hàng (mặc dù ông Đĩnh cùng cụ Luật đã chuyển hộ khẩu về số 34A An Trạch); sau này vợ con ông Đĩnh ở cùng cụ Bê tại căn nhà số 22 Hàng Bồ, còn ông Đĩnh ở tại căn nhà số 34A An Trạch nhưng vẫn về căn nhà số 22 Hàng Bồ để trông hàng cho bà Nguyễn Thị Mỹ (vợ ông Đĩnh).

    Quá trình quản lý sử dụng căn nhà số 22 Hàng Bồ, vợ chồng ông Đĩnh đã đứng ra xây dựng sửa chữa, làm thêm một số công trình, cụ thể: lớp nhà ngoài thành 2 tầng, bê tông cốt thép,  mái tôn, lớp nhà trong xây thành 3 tầng, bê tông cốt thép, mái tôn. Cụ Bê bị bệnh khoảng 2 năm rồi mới chết, vợ chồng ông Đĩnh đã đứng ra chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như lo mai táng cho cụ Bê (kể cả đối với cụ Luật) nhưng ông Đĩnh không có yêu cầu xem xét công sức đối với phần này. Ông Đĩnh không thừa nhận di chúc do bà Vân xuất trình và yêu cầu bà Vân có trách nhiệm thanh toán giá trị diện tích 550 m2 đất (phần đất ông Đĩnh được hưởng thừa kế bên nội) tại An Trạch vì toàn bộ số tiền bán đất nêu trên ông Đĩnh gửi tiết kiệm đứng tên cụ Bê 2/3 số tiền bán đất, đứng tên chị Bình 1/3 số tiền còn lại, nhưng cụ Bê đã rút toàn bộ số tiền bán đất nêu trên đưa cho bà Vân.

    Ngoài ra, các ông Nguyễn Huy Giao, Nguyễn Huy Thành (các con bà Hoa) và các ông bà Trịnh Đình Huy, Trịnh Thị Hạnh (các con bà Hoà) cũng có quyền lợi tại căn nhà số 22 Hàng Bồ, đề nghị Toà án xem xét để đảm bảo quyền lợi của họ.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    Bà Nguyễn Thị Mỹ trình bày: Bà Mỹ có hộ khẩu thường trú tại số 34A, An Trạch nhưng thực tế sống tại tại 22 Hàng Bồ từ trước đến nay để bán hàng. Năm 1989, bà Mỹ có đưa cho cụ Bê 20 lạng vàng để cụ Bê nhượng lại quyền sở hữu căn nhà số 22 Hàng Bồ, nhưng không lập giấy tờ (cụ Bê có hứa khi nào xin được giấy tờ nhà sẽ đưa cho bà Mỹ); năm 1996, cụ Bê khởi kiện ra Toà án để đòi căn nhà số 22 Hàng Bồ và tại các buổi hoà giải cụ Bê có thừa nhận là cầm 20 lượng vàng của bà Mỹ; sau đó, cụ Bê đã rút đơn khởi kiện. Vì vậy, bà Mỹ cho rằng đã mua nhà của cụ Bê nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vân. Bà Mỹ không yêu cầu Toà án xem xét công sức chăm sóc và lo mai táng cho cụ Bê.

    Chị Nguyễn Thị Mỹ Bình (con của vợ chồng ông Đĩnh) trình bày: Cha mẹ chị Bình đã bán một phần nhà đất tại An Trạch, đưa tiền cho cụ Bê để mua lại căn nhà 22 Hàng Bồ (số tiền này cụ Bê đã đưa cho bà Vân). Thực tế, năm 1961, Nhà nước để lại diện tích căn nhà số 22 Hàng Bồ cho đồng sở hữu gồm 3 chị em cụ Bê nên di chúc do bà Vân xuất trình là không hợp pháp. Thực tế, chị Mỹ cùng các con có hộ khẩu và sống tại căn nhà số 22 Hàng Bồ; trong trường hợp Toà án chia thừa kế nhà số 22 Hàng Bồ thì chị Bình đề nghị những người được thừa kế nhà 22 Hàng Bồ có trách nhiệm tạo điều kiện về chỗ ở cho mẹ con chị.  

    Anh Nguyễn Ngọc Đại (con của vợ chồng ông Đĩnh) trình bày: Anh Đại có hộ khẩu thường trú tại số 34A An Trạch nhưng thực tế trước đến nay anh Đại vẫn ở tại căn nhà số 22 Hàng Bồ. Anh Đại không chấp nhận yêu cầu hưởng thừa kế theo di chúc của bà Vân.

    Trong quá trình giải quyết, Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Thành đang định cư tại Úc, nên đã quyết định chuyển vụ án đến Toà án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền. Các ông bà Hạnh, Huy, Giao đều có yêu cầu được chia căn nhà số 22 Hàng Bồ làm 3 phần cho các đồng thừa kế của các các cụ Bê, Hoa, Hoà (riêng ông Thành không có lời khai).

    Tại Bản án dân sự sơ thẩm số60/2006/DS-ST ngày 29-11-2006, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

    1- Chấp nhận yêu cầu xác nhận thừa kế theo di chúc của bà Nguyễn Thị Hồng Vân đối với nhà số 22 Hàng Bồ, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội hiện gia đình ông Nguyễn Ngọc Đĩnh đang sử dụng.

    2- Xác nhận nhà 22 phố Hàng Bồ, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội hiện gia đình ông Nguyễn Ngọc Đĩnh đang sử dụng là di sản của cụ Tạ Thị Bê.

    3- Xác nhận di chúc do cụ Tạ Thị Bê lập ngày 02-8-1991, có chữ ký và xác nhận tại Phòng Công chứng số 1 thành phố Hà Nội ngày 20-8-1991 là di chúc hợp pháp.

    4- Buộc gia đình ông Nguyễn Ngọc Đĩnh phải trả lại toàn bộ nhà 22 phố Hàng Bồ, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cho bà Nguyễn Thị Hồng Vân.

    5- Buộc bà Nguyễn Thị Mỹ, anh Nguyễn Ngọc Đại, chị Nguyễn Thị Mỹ Bình và những người có tên trong hộ khẩu cùng chị Bình tại số 22 Hàng Bồ phải chuyển về 34A An Trạch, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội để trả nhà cho bà Nguyễn Thị Hồng Vân.

    6- Buộc bà Nguyễn Thị Hồng Vân phải thanh toán cho vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đĩnh, bà Nguyễn Thị Mỹ số tiền 34.382.200 đồng tiền sửa chữa nhà 22 phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ do chậm thi hành án và tuyên quyền kháng cáo theo luật định.

    Vợ chồng ông Đĩnh, bà Mỹ và anh Đại, chị Bình có đơn kháng cáo.

    Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 82/2007/DSPT ngày 17-4-2007, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định: Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Đĩnh và chị Bình có đơn khiếu nại.

    Tại Quyết định số66/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 08-5-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 82/2007/DSPT ngày 17-4-2007 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ Bản án dân sự  phúc thẩm nêu trên và Bản án dân sự sơ thẩm số60/2006/DS-ST ngày 29-11-2006 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ về Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Tại Công văn số 418/CS ngày 29-02-1996, Sở Nhà đất thành phố Hà Nội xác định căn nhà số 22 Hàng Bồ thuộc sở hữu của các cụ Bê, Hoa, Huyền (cụ Huyền có con là ông Thành, định cư tại Úc) nên Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã chuyển hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền. Thực tế, tại thời điểm cố Đoan và cụ Bê kê khai giao cho Nhà nước quản lý căn nhà số 22 Hàng Bồ thì cụ Hoa, cụ Huyền đã di cư vào Nam (từ trước năm 1954). Vì vậy, Sở Nhà đất thành phố Hà Nội xác định diện tích được để lại tại căn nhà số 22 Hàng Bồ thuộc sở hữu của cụ Bê, cụ Hoa, cụ Huyền là không đúng chính sách cải tạo nhà đất cho thuê, chính sách quản lý nhà đất của tổ chức, cá nhân của Nhà nước. Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xác định các con của cụ Hoa, cụ Huyền không còn quyền lợi gì đối với nhà đất tại số 22 Hàng Bồ, từ đó không đưa họ vào tham gia tố tụng là có căn cứ; đồng thời tiếp tục giải quyết vụ án là phù hợp với hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 4.4 mục 4 phần I Nghị quyết số01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và không trái thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự.

    Theo Công văn số 1206/TNMT&NĐ-CS ngày 17-4-2006 của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất thành phố Hà Nội thì tại Quyết định số 1166/QĐ ngày     10-8-1961, Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội đã chấp nhận đơn xin giao nhà của cụ Tạ Thị Bê; cụ Bê được để lại diện tích ở sau cải tạo là 40,8m2 tại căn nhà số 22 Hàng Bồ (toàn bộ nhà). Thực tế, cụ Đoan đã được Nhà nước để lại 23,1m2 tại căn nhà số 52 Hàng Nón. Theo điểm 2 Thông tư số 110/BCT ngày 26-5-1961 của Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh về việc tiếp tục giải quyết một số vấn đề thuộc về chính sách cụ thể trong cải tạo và quản lý thống nhất nhà, đất thì “Diện tích để lại ở cho chủ nhà sau cải tạo, cần xem là số diện tích hoàn toàn thuộc quyền sở hữu và sử dụng của họ không phải trả tiền thuê…”. Do đó, căn nhà số 22 Hàng Bồ thuộc quyền sở hữu của cụ Bê (chủ nhà đang trực tiếp sử dụng tại thời điểm Nhà nước thực hiện chính sách cải tạo và quản lý thống nhất nhà đất). Theo quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân gia đình năm 1959 thì nhà đất tại số 22 Hàng Bồ là tài sản chung của vợ chồng cụ Luật, cụ Bê. Ngày 08-6-1991, cụ Bê được Sở Nhà đất thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận diện tích nhà được để lại sau cải tạo nhà cửa với nội dung: “trong đợt cải tạo nhà cửa năm 1961, ông bà Tạ Thị Bê đã giao các ngôi nhà số 54, 56, 61, 63 phố Sơn Tây và 1/2 nhà số 22 Hàng Bồ; Quyết định số 1166 ngày 10-8-1961 của Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội để lại cho ông bà Tạ Thị Bê, diện tích để lại 40,8m2 tại ngôi nhà số 22 phố Hàng Bồ gồm các buồng sau (thực sử dụng toàn bộ ngôi nhà: 48,12m2): tầng 1 diện tích chính 2 buồng 12,6m2 và 12m2, tầng 2 diện tích chính 2 buồng 11,52m2 và 12m2; theo chính sách thì diện tích trên là thuộc quyền sở hữu của chủ nhà”. Giấy chứng nhận diện tích nhà để lại sau cải tạo nêu trên của Sở Nhà đất Hà Nội chỉ xác định sự việc cụ Bê giao nhà cho nhà nước quản lý và nội dung Quyết định số 1166 ngày 10-8-1961 của Uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội về việc để lại diện tích nhà đất sau cải tạo cho cụ Bê, không phải giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Toà án cấp sơ thẩm cho rằng sau khi cụ Luật chết, cụ Bê mới được Nhà nước công nhận quyền sở hữu căn nhà số 22 Hàng Bồ và Toà án cấp phúc thẩm cho rằng từ ngày 10-8-1961, gia đình cụ Bê chỉ được ở và sử dụng căn nhà số 22 Hàng Bồ, còn quyền sở hữu căn nhà số 22 Hàng Bồ thuộc quyền sở hữu Nhà nước; sau khi cụ Luật chết, năm 1991 cụ Bê mới được Nhà nước chứng nhận quyền sở hữu đối với căn nhà số 22 Hàng Bồ; từ đó xác định căn nhà số 22 Hàng Bồ thuộc quyền sở hữu riêng của cụ Bê kể từ ngày 08-6-1991 (ngày cụ Bê được cấp giấy chứng nhận diện tích nhà được để lại sau cải tạo nhà cửa) để công nhận nhà 22 Hàng Bồ là di sản của cụ Bê, công nhận toàn bộ di chúc của cụ Bê là trái với Điều 15 Luật Hôn nhân gia đình năm 1959 và điểm 2 Thông tư số 110/BCT ngày 26-5-1961 của Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh.

    Mặt khác, tại thời điểm bà Vân khởi kiện (ngày 23-3-2004) thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế đối với di sản của cụ Luật đã hết (cụ Luật chết năm 1986). Trong khi đó, ông Đĩnh (khi còn sống) và các thừa kế của ông Đĩnh không chấp nhận yêu cầu hưởng thừa kế căn nhà số 22 Hàng Bồ theo di chúc của bà Vân, mà cho rằng vợ chồng ông Đĩnh đã bỏ tiền ra để mua nhà này; còn bà Vân lại cho rằng căn nhà số 22 Hàng Bồ là tài sản riêng của cụ Bê (không phải di sản của cụ Luật). Vì vậy, không đủ điều kiện áp dụng tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để xác định di sản của cụ Luật chuyển thành tài sản chung của các thừa kế để chia theo các quy định của pháp luật về chia tài sản chung. Trong trường hợp này, lẽ ra Toà án chỉ công nhận di chúc của cụ Bê đối với phần tài sản của Bê, đồng thời xác minh, làm rõ sau khi cụ Luật chết, có những ai đang quản lý tài sản của cụ Luật trong số những người thừa kế của cụ Luật thì mới đủ cơ sở giải quyết vụ án. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa xác minh về vấn đề nêu trên, nhưng đã giải quyết vụ án là không đủ căn cứ.

    Ngoài ra, trong quá giải quyết vụ án, ông Đĩnh, bà Mỹ cho rằng trong quá trình quản lý sử dụng, ông Đĩnh, bà Mỹ đã đầu tư sửa chữa, làm thêm tại nhà 22 Hàng Bồ và giao số tiền chuyển nhượng một phần đất tại số 34A, An Trạch cho cụ Bê để mua căn nhà số 22 Hàng Bồ, nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh việc mua bán căn nhà số 22 Hàng Bồ. Tại hồ sơ vụ án “tranh chấp thừa kế nhà 22 Hàng Bồ” giữa cụ Tạ Thị Bê và ông Nguyễn Ngọc Đĩnh (Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 13 ngày 18-5-1996 của Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), cụ Bê thừa nhận ông Đĩnh có bán nhà đất tại số 34A, An Trạch để đưa tiền cho cụ Bê, nhưng cho rằng không bán căn nhà số 22 Hàng Bồ cho vợ chồng ông Đĩnh. Vì vậy, khi giải quyết lại vụ án, Toà án cần xác minh, làm rõ số tiền cụ Bê đã nhận của vợ chồng ông Đĩnh để trích từ di sản của cụ Bê thanh toán cho vợ, con ông Đĩnh (ông Đĩnh chết ngày 15-10-2007) thì mới đảm bảo quyền lợi của vợ, con ông Đĩnh.

    Do đó, cần phải huỷ Bản án dân sự sơ thẩm và Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297, khoản 1 và 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự. 

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 82/2007/DSPT ngày 17-4-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hà Nội và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số60/2006/DS-ST ngày 29-11-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án “tranh chấp thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hồng Vân với bị đơn là ông Nguyễn Ngọc Đĩnh; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Mỹ, chị Nguyễn Thị Mỹ Bình, anh Nguyễn Ngọc Đại và các cháu Đặng Ngọc Quốc Khánh, Đặng Ngọc Khánh Linh (do chị Nguyễn Thị Mỹ Bình làm giám hộ).

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Các Tòa án đã công nhận toàn bộ di chúc của cụ Bê là nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm trong quá trình giải quyết vụ án?

     

     
    3143 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận