(1) Xây nhà không che chắn xung quanh công trình có bị xử phạt không?
Điều kiện khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ được quy định tại khoản 2 Điều 111 Luật Xây dựng 2014 như sau:
- Tuân thủ thiết kế xây dựng được duyệt, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng, người, thiết bị thi công, công trình ngầm và các công trình liền kề; có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố gây mất an toàn trong quá trình thi công xây dựng.
- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn riêng đối với những hạng mục công trình, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ.
- Sử dụng vật tư, vật liệu đúng chủng loại quy cách, số lượng theo yêu cầu của thiết kế xây dựng, bảo đảm tiết kiệm trong quá trình thi công xây dựng.
- Thực hiện kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công việc xây dựng, giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng khi cần thiết, nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng.
- Nhà thầu thi công xây dựng công trình phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình và công việc xây dựng.
Như vậy, khởi công xây dựng công trình phải đảm bảo được cho công trình xây dựng, người, thiết bị thi công, công trình ngầm và các công trình liền kề. Hành vi không che chắn khi xây nhà được xem là không đảm bảo an toàn và sẽ bị xử phạt hành chính.
(2) Mức xử phạt đối với xây nhà không che chắn
Căn cứ tại điểm a khoản 1 và khoản 5 Điều 31 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng không che chắn như sau:
Xử phạt đối với hành vi thi công xây dựng không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định như sau:
- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác.
- Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Ngoài xử phạt hành chính, người vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc che chắn theo quy định và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (nếu có) với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 31.
Theo điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng quy định về hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt như sau:
Mức phạt tiền quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân).
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, hành vi xây nhà không che chắn sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng và áp dụng biện pháp buộc che chắn theo quy định và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tóm lại, hành vi xây nhà không che chắn là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng. Bên cạnh việc xử phạt hành chính còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.