Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất"

Chủ đề   RSS   
  • #265391 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất"

    Số hiệu

    26/2008/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất"

    Ngày ban hành

    07/10/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ……..

    Ngày 07 tháng 10 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp thừa kế sử dụng đất” giữa:

    Nguyên đơn:

    1. Bà Nguyễn Thị Quý sinh năm 1946; trú tại: nhà số 153/9 đường Tân Thọ, phường 8, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh;

    2. Ông Đặng Xuân Sinh sinh năm 1959; trú tại: xóm Núi Hột, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

    Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Hòa sinh năm 1954; trú tại: Tổ 14, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Ngô Thị Hạnh sinh năm 1957; trú tại: tổ 14, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên;

    2. Ông Ngô Thanh Giang sinh năm 1962; trú tại: tổ 14, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

    NHẬN THẤY:

    Tại đơn khởi kiện ngày 25-5-2002 và ngày 26-3-2003 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là ông Đặng Xuân Sinh và bà Nguyễn Thị Quý trình bày: Vợ chồng cụ Đặng Xuân Nghiêm, cụ Nguyễn Thị Lý không có con đẻ, có nhận bà Đặng Thị Quý (cháu ruột cụ Lý) về làm con nuôi từ năm 1950, khi đó bà Quý 4 tuổi; sau đó, cụ Nghiêm có quan hệ với một người phụ nữ khác và có một người con trai là ông Đặng Xuân Sinh (sinh năm 1959), cụ Nghiêm đã đăng ký khai sinh cho ông Sinh mang tên người cha là Đặng Xuân Nghiêm và người mẹ là Nguyễn Thị Lý. Bản chính giấy khai sinh này được lập năm 1962, do Ủy ban hành chính thành phố Thái Nguyên cấp.

    Vợ chồng cụ Nghiêm, cụ Lý đã khai hoang được một thửa đất có diện tích 574m2 và làm nhà ở tại tổ 16, tiểu khu Chiến Thắng (nay là tổ 14, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Năm 1963, bà Quý lấy chồng nhưng vẫn ở chung với vợ chồng cụ Nghiêm, cụ Lý đến năm 1976 thì bà Quý chuyển hộ khẩu theo chồng vào Miền nam sinh sống cho đến nay. Khi bà Quý chuyển vào Miền nam sinh sống thì cụ Nghiêm, cụ Lý ở một mình, vì ông Sinh ở với mẹ đẻ tại xóm Núi Hột, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, sau đó đi thoát ly rồi lấy vợ và ở tại quê xã Linh Sơn.

    Năm 1978, cụ Nghiêm mất, chỉ còn một mình cụ Lý ở tại nhà đất nêu trên, nên cụ Lý có cho ông Nguyễn Văn Hòa (con bà Lại Thị Thái) là cháu họ cụ Lý đến ở cùng để nhờ cậy khi già yếu. Năm 1992 cụ Lý mất, không để lại di chúc, toàn bộ nhà đất nêu trên do vợ chồng ông Hòa quản lý, sử dụng.

    Bà Quý, ông Sinh yêu cầu được hưởng thừa kế đối với di sản của cha mẹ để lại.

    Bị đơn ông Nguyễn Văn Hòa trình bày: Năm 1980, ông mua nhà đất của cụ Nguyễn Thị Lý (có giấy viết tay, cụ Lý có điểm chỉ; có sự chứng kiến của ông Sửu là hàng xóm, ông Hà Tố Giảng là Tổ trưởng tổ nhân dân và có xác nhận của Công an phường Chiến Thắng (cũ) thuộc Công an thành phố Thái Nguyên). Ông đã nộp giấy tờ mua bán nhà (bản gốc) cho Phòng xây dựng thành phố Thái Nguyên để xin phép xây dựng nhà và được Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên cấp “giấy phép làm nhà số203/QĐ-UB ngày 19-01-1981”; ông đã làm nhà cấp 4 tại một phần thửa đất này (căn nhà này hiện nay vẫn còn) và cụ Lý ở với ông.

    Do Phòng xây dựng thành phố Thái Nguyên làm mất giấy tờ mua bán nhà đất (bản gốc) của ông; nên năm 1991 ông đã làm “đơn xin xác nhận diện tích đất” mà ông đã mua của cụ Lý và được cụ Lý điểm chỉ tại đơn này (có xác nhận của ông Hà Tố Giảng và Ủy ban nhân dân thị trấn Chùa Hang). Năm 1991, ông chuyển nhượng cho ông Ngô Thanh Giang 100m2 đất với giá 4 lượng vàng.

    Năm 1992 cụ Lý chết, ông đã đứng ra lo tang lễ, cúng giỗ cụ Lý từ đó đến nay và quản lý nhà đất. Ngày 17-7-1993, ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ ra quyết định số166/QĐ-UB hợp thức đất ở cho ông với diện tích 120/388m2; ngày 18-9-1993 Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ ra quyết định số142/QĐ-UB cho phép ông được xây dựng nhà cấp 3 trên phần đất thổ cư đó; do đó, ông không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn là bà Quý, ông Sinh.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 19/DSST, ngày 24-11-2003, Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ quyết định:

    1/ Chấp nhận một phần đơn yêu cầu của chị Nguyễn Thị Quý và anh Đặng Xuân Sinh đòi quyền được hưởng phần tài sản là nhà gắn liền với đất của ông Nghiêm và bà Lý để lại.

    Buộc anh Nguyễn Văn Hòa phải trả cho chị Quý, anh Sinh diện tích đất là 306,67m2 thuộc tờ bản đồ số 18, thửa số 104, thuộc tổ 14 thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ, Thái Nguyên bao gồm: diện tích đất là 196,78m2 trên đất có một ngôi nhà cấp 4 giá trị còn lại là 150.000 đồng do bà Lý xây dựng nên. Trên đất có 4 kiốt của anh Hòa xây dựng tạm, sẽ tháo dỡ trả lại đất cho chị Quý, anh Sinh.

    Diện tích đất 109,89m2 hiện nay anh Hòa đã xây dựng nhà cấp 3 ở ổn định giao cho anh Hòa quản lý, sử dụng nhà và phải thanh toán giá trị đất cho chị Quý, anh Sinh là 327.000.000 đồng (ba trăm hai bảy triệu đồng).

    2/ Việc thi hành án được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí.

    Ngày 02-12-2003 ông Nguyễn Văn Hòa kháng cáo với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm xác định căn nhà cấp 4 do cụ Lý làm là không đúng, việc xét xử không đảm bảo quyền lợi của ông.

    Tại quyết định kháng nghị số 01/QĐKNDS ngày 04-12-2003, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đồng Hỷ đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm theo hướng bác đơn khởi kiện của bà Quý, ông Sinh với lý do tài sản của cụ Nghiêm và cụ Lý không còn trên đất, thời hiệu khởi kiện đã hết.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 100/DSPT ngày 21-10-2004, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên quyết định:

    Sửa một phần bản án sơ thẩm số 19/DSST ngày 24-11-2003 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

    Tuyên xử:

    1/ Chấp nhận một phần yêu cầu của chị Nguyễn Thị Quý, anh Đặng Xuân Sinh đòi quyền hưởng tài sản là di sản của ông Nghiêm, bà Lý để lại.

    Buộc anh Nguyễn Văn Hòa phải trả cho chị Quý, anh Sinh diện tích đất 196,78m2 tại tờ bản đồ số 18, thửa số 104, thuộc tổ 14, thị trấn Chùa Hang trị giá 590.390.000 đồng, trên đất có ngôi nhà cấp 4 trị giá 150.000 đồng (có sơ đồ kèm theo tại các điểm 1,2,3,7). Anh Hòa có trách nhiệm tháo dỡ 4 kiốt để trả đất cho chị Quý, anh Sinh.

    Anh Hòa được quản lý, sử dụng 109,89m2 trị giá 327.000.000 đồng trên có ngôi nhà cấp 3 của anh Hòa (có sơ đồ kèm theo tại các điểm 3, 4, 5, 6, 7) và 100m2 đất đã bán cho anh Giang.

    Các đương sự có trách nhiệm làm các thủ tục với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Hòa có đơn khiếu nại cho rằng ông đã mua nhà đất của cụ Lý từ năm 1980; ông Sinh và bà Quý khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, nhưng đã hết thời hiệu khởi kiện.

    Bà Nguyễn Thị Quý khiếu nại, yêu cầu buộc ông Hòa trả lại toàn bộ diện tích thửa đất nêu trên (có ngôi nhà trị giá 150.000 đồng).

    Tại quyết định số13/QĐ-KNGĐT ngày 31-3-2005, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 100/DSPT ngày 21-10-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên; đề nghị Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 19/DSST ngày 24-11-2003 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ, giao hồ sơ về Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử sơ thẩm lại.

    Tại quyết định giám đốc thẩm số64/DS-GĐT ngày 28-4-2005, Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao quyết định:

    - Hủy bản án sơ thẩm số 19/DSST ngày 24-11-2003 của Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ và bản án phúc thẩm số 100/DSPT ngày 21-10-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã xét xử vụ án đòi quyền hưởng di sản thừa kế giữa ông Đặng Xuân Sinh, bà Nguyễn Thị Quý với ông Nguyễn Văn Hòa.

    Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử theo thủ tục sơ thẩm.

    Ngày 27-8-2005, bà Quý, ông Sinh có đơn tố cáo cho rằng ông Hòa chiếm giữ trái phép tài sản của ông, bà; yêu cầu dừng giải quyết vụ án để Công an tỉnh Thái Nguyên xem xét về hình sự đối với ông Hòa. Sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên ra quyết định tạm đình chỉ xét xử sơ thẩm vụ án dân sự số01/QĐ-TĐC ngày 14-9-2005; ông Hòa kháng cáo quyết định tạm đình chỉ nêu trên. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội ra quyết định phúc thẩm số 69/2006/DSPT ngày 23-3-2006 hủy quyết định tạm đình chỉ nêu trên, giao hồ sơ về Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giải quyết vụ án.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/2006/DSST ngày 05-5-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên quyết định:

    1/ Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Nguyễn Thị Quý và ông Đặng Xuân Sinh đòi quyền hưởng thừa kế di sản của cụ Đặng Xuân Nghiêm để lại.

    Buộc ông Nguyễn Văn Hòa và bà Ngô Thị Hạnh phải trả lại cho bà Nguyễn Thị Quý 64,44m2 đất và ông Đặng Xuân Sinh 64,44m2 đất thổ cư. Tổng diện tích là 128,88m2 đất thổ cư tại tờ bản đồ số 18, thửa 104 thuộc tổ 14 thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ, Thái Nguyên, cụ thể: Phần đất kế giáp đất ông Hòa đã bán cho ông Ngô Thanh Giang kéo dài theo quốc lộ 1B hướng Thái Nguyên đi Võ Nhai là 8,4m; phía trước lấy mốc sát nhà ông Giang kéo dài về phía sau hết đất là 15,40m, kéo dài song song theo quốc lộ 1B là 8,4m, giáp đất ông Hòa kéo dài một đường vuông góc. Tổng diện tích là 128,88m2, trị giá 515,520.000 đồng (năm trăm mười lăm triệu năm trăm hai mươi ngàn đồng). Trên đất có 2 kiốt của ông Hòa xây cho thuê bán hàng, giao cho bà Quý và ông Sinh, số còn lại phải tháo dỡ trả lại đất cho bà Quý và ông Sinh theo diện tích đất.

    Bà Nguyễn Thị Quý và ông Đặng Xuân Sinh phải thanh toán 2 kiốt trị giá 14.128.000 đồng cho ông Nguyễn Văn Hòa và bà Ngô Thị Hạnh.

    Cụ thể: bà Quý chịu 7.064.000 đồng, ông Sinh 7.064.000 đồng.

    2- Ông Nguyễn Văn Hòa được quản lý và sử dụng 277,77m2 đất, trên đất có nhà cấp 3 của ông Hòa đến giáp đất giao cho bà Quý và ông Sinh và 100m2 đất ông Hòa đã bán cho ông Giang trị giá 1.111.080.000 đồng (mọt tỷ một trăm mười một triệu không trăm tám mươi ngàn đồng) và 14.128.000 đồng của bà Quý, ông Sinh thanh toán giá trị 2 kiốt (có sơ đồ kèm theo).

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí định giá, án phí, lãi suất chậm trả trên số tiền phải thi hành án nếu chậm thi hành án.

    Ngày 18-5-2006, ông Đặng Xuân Sinh và bà Nguyễn Thị Quý kháng cáo cho rằng không có việc cụ Lý bán nhà đất cho ông Hòa.

    Ngày 16-5-2006, ông Nguyễn Văn Hòa kháng cáo cho rằng bà Quý, ông Sinh không phải là con cụ Nghiêm, cụ Lý; yêu cầu được tính công sức.

    Tại bản án phúc thẩm số 181/2006/DSPT ngày 15-9-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:

    - Chấp nhận một phần yêu cầu chia thừa kế của bà Nguyễn Thị Quý và ông Đặng Xuân Sinh đòi quyền thừa kế di sản của cụ Đặng Xuân Nghiêm, của cụ Nguyễn Thị Lý để lại tại tờ bản đồ số 18, thửa 104, tổ 14 thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

    Buộc ông Nguyễn Văn Hòa và bà Ngô Thị Hạnh phải trả lại cho bà Nguyễn Thị Quý và ông Đặng Xuân Sinh 296,78m2 đất thổ cư tại tờ bản đồ số 18, thửa 104 thuộc tổ 14 thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

    Chia cụ thể: bà Nguyễn Thị Quý và ông Đặng Xuân Sinh nhận bằng hiện vật là 196,7m2, có tứ cận giáp phần đất ông Hòa đã bán cho ông Ngô Thanh Giang kéo dài theo quốc lộ 1B, hướng Thái Nguyên đi Võ Nhai là 12,72m, phía trước lấy mốc sát nhà ông Giang kéo dài về phía sau hết đất ông Hòa kéo một đường thẳng vuông góc. Tổng diện tích là 196,78m2, trị giá là 787.120.000 đồng (bảy trăm tám mươi bảy triệu một trăm hai mươi ngàn đồng), có mốc giới theo sơ đồ là các điểm 1,2,6 và 7.

    Trên đất có 4 kiốt của ông Hòa xây dựng, nay giao cho bà Quý và ông Sinh sở hữu có trị giá 28.256.000 đồng sau khi thanh toán toàn bộ giá trị (tiền) 4 kiốt cho ông Nguyễn Văn Hòa.

    + Phần diện tích đất được hưởng di sản thừa kế là 100m2 của ông Đặng Xuân Sinh và bà Nguyễn Thị Quý được nhận bằng giá trị là 100m2 x 4.000.000 đồng = 400.000.000 đồng do ông Hòa, bà Hạnh phải thanh toán cho ông Sinh và bà Quý trị giá phần diện tích đất ông Hòa đã bán cho ông Ngô Thanh Giang.

    + Bà Quý, ông Sinh phải thanh toán giá trị 4 kiốt cho ông Hòa, bà Hạnh là 28.256.000 đồng.

    + Ông Nguyễn Văn Hòa, bà Ngô Thị Hạnh được quản lý, sử dụng 109,89m2 đất. Trên đất có nhà cấp 3 của ông Hòa đến mốc giới giao cho bà Quý và ông Sinh (theo sơ đồ hiện trạng đất ngày 04-5-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên kềm bản án phúc thẩm).

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Nguyễn văn Hòa có nhiều đơn khiếu nại cho rằng ông đã mua đất của cụ Lý là hợp pháp, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không công nhận; ông Sinh, bà Quý không phải là con của cụ Nghiêm, cụ Lý; đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Tại quyết định số65/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 06-5-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án phúc thẩm nêu trên và hủy bản án sơ thẩm số 01/2006/DSST ngày 05-5-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, giao hồ sơ về Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xác minh, xét xử lại sơ thẩm, nếu các nguyên đơn không xuất trình thêm được chứng cứ thì bác yêu cầu, với nhận định:

    … Quá trình tham gia tố tụng, bà Quý ngoài việc tự nhận là con nuôi vợ chồng cụ Nghiêm, cụ Lý từ năm 4 tuổi. Bà Quý xuất trình đơn đề nghị Công an huyện Đồng Hỷ xác nhận bà là con nuôi của hai cụ và bản phô tô tờ khai hộ khẩu do Công an huyện Đồng Hỷ lập không ghi ngày tháng kê khai và ai là người kê khai. Theo quy định tại Điều 24 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 thì việc nhận con nuôi phải được Ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc đứa trẻ công nhận, ghi vào sổ hộ tịch và theo Điều 84 Bộ luật tố tụng dân sự quy định việc đương sự phải cung cấp chứng cứ chứng minh. Nhưng qua 5 lần xét xử, bà Quý không xuất trình được giấy khai sinh, sổ hộ tịch hay một văn bản chứng nhận của ủy ban hành chính để xác định việc cụ Nghiêm và cụ Lý nhận bà làm con nuôi. Tờ khai hộ khẩu của Công an huyện Đồng Hỷ có trong hồ sơ chỉ là bản phô tô; phần ngày, tháng, năm không ghi; không thể hiện kê khai ngày tháng năm nào? Cụ Nghiêm hay cụ Lý đứng ra kê khai..v.v; ngoài ra bà Quý không xuất trình được bất cứ tài liệu nào thể hiện việc cụ Nghiêm và cụ Lý là bố mẹ nuôi. Khi cụ Nghiêm, cụ Lý già yếu bà Quý không chăm sóc, nuôi dưỡng; khi cụ Nghiêm và cụ Lý chết bà Quý không về lo mai táng. Do đó, không có căn cứ xác định bà Lý là con nuôi của hai cụ.

    Xét việc xác định ông Sinh là con riêng của cụ Nghiêm, thấy: Cụ Nghiêm và cụ Lý không có con chung, ông Sinh tự khai họ tên là Đặng Xuân Sinh và là con riêng của cụ Nghiêm. Quá trình giải quyết vụ án, ông Sinh xuất trình giấy khai sinh bản chính số 192 đăng ký ngày 13-5-1962 tại Ủy ban hành chính thành phố Thái Nguyên và khẳng định: cụ Nghiêm đã đứng ra làm giấy khai sinh duy nhất cho ông Sinh tại ủy ban hành chính thành phố Thái Nguyên năm 1962 để chứng minh cụ Nghiêm là bố đẻ của mình.

    Giấy khai sinh bản chính ông Sinh xuất trình thể hiện người được khai là ông Đặng Xuân Sinh, sinh ngày 13-5-1959, đăng ký số 192 ngày 13-5-1962 tại Ủy ban hành chính thành phố Thái Nguyên; về hình thức không có chữ ký ghi rõ họ tên người khai và dấu thị thực của ủy ban hành chính là dấu hình tròn. Tại Công văn số 317/C13(P3) ngày 26-3-2008 của Cục cảnh sát quản lý hành chính Tổng cục cảnh sát Bộ công an phúc đáp yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về mẫu con dấu của Ủy ban hàn hành chính các cấp thời điểm ngày 15-3-1962 – thời điểm ông Sinh được cấp giấy khai sinh, thể hiện: Căn cứ Thông tư 1519-P4A ngày 09-6-1955 của Thủ tướng Chính phủ về mẫu con dấu dùng trong cơ quan chính quyền thì mẫu con đấu của Ủy ban hành chính cấp huyện là hình vuông kích thước 33x33mm. Căn cứ Nghị định số 56/CP ngày 17-3-1966 của Hội đồng Chính phủ quy định quản lý sử dụng con dấu trong các cơ quan… thì dấu Ủy ban hành chín cấp huyện hình tròn đường kính 34mm. Việc khắc dấu co Ty công an các tỉnh phụ trách. Như vậy, thời điểm năm 1962 dấu ủy ban hành chính thành phố Thái Nguyên trực thuộc tỉnh Bắc Thái là dấu vuông. Nhưng giấy khai sinh ông Sinh xuất trình là dấu tròn, không đúng mẫu con dấu thời điểm 1962. Do vậy, giấy khai sinh do ông Sinh cung cấp là không hợp pháp nên không có giá trị về mặt pháp lý. Mặt khác, tại biên bản xác minh ngày 22-01-2008, Công an xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ xác định qua kiểm tra sổ hộ khẩu gốc từ năm 1999 đến năm 2008 không có trường hợp nào tên là Đặng Xuân Sinh, sinh năm 1959 và vợ là Trần Thị Hoàn, chỉ có ông Phùng Bá Sinh, sinh năm 1958; tại sổ hộ khẩu được đính chính là đổi sang họ Đặng từ ngày 20-9-2006 theo quyết định của Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ còn lý do vì sao được đổi từ họ Phùng sang họ Đặng thì xã không biết. Cùng ngày, Công an huyện Đồng Hỷ xác định: Theo tàng thư và hồ sơ lưu trữ tại Công an huyện Đồng Hỷ thì ông Sinh có tên họ là Phùng Bá Sinh, sinh năm 1958; phiếu theo dõi hồ sơ số 1083 bản khai nhân khẩu tại Đồng Hỷ ngày 08-11-1972 có bố là Phùng Bá Đáng, mẹ là Nguyễn Thị Lan và vợ là Trần Thị Hoàn, các con là Phùng Thị Hảo và Phùng Thị Lưu, ngoài ra hồ sơ lưu còn có các quyết định thay đổi từ họ Phùng sang họ Đặng của các con ông Sinh trong hồ sơ.

    Do đó, không đủ căn cứ xác định ông Sinh là con riêng của cụ Nghiêm và không đủ căn cứ xác định ông Sinh là thừa kế của cụ Nghiêm. Thực tế, ông Sinh không ở cùng hai cụ và cũng không có công chăm sóc, nuôi dưỡng hai cụ nên không có căn cứ để ông Sinh hưởng một phần di sản của hai cụ để lại.

    Việc chuyển nhượng nhà đất và hoa mầu giữa cụ Lý với ông Hòa: mặc dù ông Hòa không xuất trình được giấy mua bán nhà đất giữa cụ Lý và ông Hòa lập năm 1980, nhưng ông Hòa xuất trình được một số chứng cứ khác là Quyết định số203/QĐ-UB ngày 19-01-1981 của Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên cho phép ông Hòa làm ngôi nhà 4 gian trên phần diện tích này (BL63) lúc đó cụ Lý vẫn sống tại đây và không có ý kiến phản đối. Ngày 09-5-1991, ông Hòa có làm đơn xin xác nhận diện tích đất trong đó trình bày rõ nội dung có việc mua bán nhà đất lập giấy tờ nhưng bị mất vào năm 1983, tại đơn này, cụ Lý có lăn tay điểm chỉ để xác nhận (BL64) và dấu vân tay đã được giám định có kết quả là dấu vân tay của cụ Lý (BL81). Kể từ khi cụ Lý mất năm 1992 gia đình ông Hòa đã trực tiếp quản lý sử dụng và đăng ký kê khai xin hợp thức hóa nhà đất, được UBND huyện Đồng Hỷ ra Quyết định số166/QĐ-UB ngày 17-7-1993 (BL67) hợp thức đất ở và có Quyết định số142/QĐ-UB ngày 18-9-1993 cho phép ông Hòa làm nhà cấp 3 (BL68). Ngoài ra, sau khi cụ Nghiêm chết, ông Hòa là người trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc cụ Lý lúc già yếu; khi cụ Lý chết lo mai táng và chăm sóc mồ mả hai cụ. Lẽ ra, khi xảy ra tranh chấp, Tòa án phải tiến hành xác minh đầy đủ và bác yêu cầu của nguyên đơn mới đúng nhưng lại chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là chưa đủ căn cứ.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    1. Bà Nguyễn Thị Quý mồ côi cha mẹ, được cụ Đặng Xuân Nghiêm và cụ Nguyễn Thị Lý (cô ruột bà Quý) nhận về nuôi, chăm sóc từ khi bà Quý khoảng 4 tuổi và được đăng ký hộ khẩu cùng với cụ Nghiêm, cụ Lý. Tại hai bản khai nhân khẩu (một bản khai đề tên cụ Đặng Xuân Nghiêm và một bản khai đề tên cụ Nguyễn Thị Lý) đều ghi bà Nguyễn Thị Quý là con nuôi cụ Nghiêm, cụ Lý (bản gốc các bản khai nhân khẩu này do Công an huyện Đồng Hỷ lưu giữ); sau năm 1975 bà Quý chuyển hộ khẩu theo chồng vào miền Nam. Ngày 17-7-2003, Công an huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã xác nhận có nội dung: bà Quý là con nuôi của cụ Lý, cụ Nghiêm “là đúng với hồ sơ gốc”. Một số người là hàng xóm (của vợ chồng cụ Nghiêm, cụ Lý) như bà Nguyễn Thị Sâm, ông Nguyễn Công Nhiên, ông Hà Tố Giảng đã xác nhận có nội dung là bà Quý là con nuôi của cụ Nghiêm, cụ Lý. Chính cụ Lại Thị Thái (mẹ đẻ ông Hòa) cũng khai có nội dung bà Quý mồ côi cha mẹ từ nhỏ được cụ Nghiêm, cụ Lý đón về nuôi coi như con đẻ. Bà Quý cũng đã xây mộ các cụ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định bà Quý là con nuôi thực tế của cụ Nghiêm, cụ Lý là có căn cứ.

    2. Đối với ông Đặng Xuân Sinh:

    Theo Giấy khai sinh” do ông Sinh xuất trình, thì ông Đặng Xuân Sinh sinh ngày 13-3-1959, nơi sinh: Tiểu khu Chiến Thắng, Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, họ tên cha là Đặng Xuân Nghiêm, họ tên mẹ là Nguyễn Thị Lý; ông Sinh sinhh năm 1959, nhưng mãi đến năm 1962 mới được khai sinh và đến năm 1967 Ủy ban hành chính thành phố Thái Nguyên mới xác nhận (chữ ký của đại diện chính quyền, đóng dấu tại giấy khai sinh vào phần của người khai). Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa yêu cầu ông Sinh cung cấp chứng cứ chứng minh tính xác thực của giấy khai sinh; chưa xem xét việc giám định chữ ký của cụ Nghiêm cùng với con dấu đã đóng tại giấy khai sinh này và chưa yêu cầu ông Sinh xuất trình tài liệu chứng minh thân tộc cụ Nghiêm và cụ Lý xác định ông Sinh là con đẻ cụ Nghiêm và được cụ Lý coi như con, mà đã xác định ông Sinh là con đẻ cụ Nghiêm và được cụ Lý coi như con để được hưởng tài sản thừa kế của hai cụ là chưa đủ căn cứ.

    Tài liệu xác minh bổ sung của Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi xét xử phúc thẩm cho thấy ông Phùng Bá Sinh sinh năm 1958, nơi sinh: “Linh Sơn, Đồng Hỷ, Bắc Thái”, bố là Phùng Bá Đáng, mẹ là Nguyễn Thị Lan, anh là Phùng Bá Dương, vợ là Trần Thị Hoàn và các con, kèm theo giấy khai sinh của các con ông Sinh, bà Hoàn (xác minh qua tàng thư và hồ sơ lưu trữ của Công an huyện Đồng Hỷ); tuy nhiên, Ủy ban nhân dân xã Linh Sơn xác nhận ông Phùng Bá Sinh và những người trong hộ khẩu đã được đổi từ họ Phùng sang họ Đặng, nhưng Phòng tư pháp huyện Đồng Hỷ lại xác nhận là không thay đổi họ ông Sinh, chỉ thay đổi họ của các con ông Sinh từ họ Phùng sang họ Đặng; nên chưa có cơ sở để xác định là ông Sinh đổi từ họ Phùng sang họ Đặng. Kết quả xác minh thêm cũng cho thấy có sự mâu thuẫn về năm sinh và nơi sinh của ông Sinh tại giấy khai của ông Sinh và “bản khai nhân khẩu” (tài liệu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao thu thập sau khi xét xử phúc thẩm); do đó, khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cần yêu cầu ông Sinh xuất trình chứng cứ chứng minh làm rõ nội dung nêu trên và lý do việc đổi từ họ Phùng sang họ Đặng.

    3. Sau khi bà Quý chuyển vào Miền Nam cùng chồng sinh sống; chỉ còn cụ Nghiêm và cụ Lý ở với nhau; năm 1978 cụ Nghiêm chết. Sau đó, ông Hòa (là cháu họ cụ Lý) có đến chăm sóc cụ Lý. Tuy ông Hòa cho rằng ông đã mua nhà đất của cụ Lý năm 1980 và nộp giấy tờ mua bán nhà đất (bản gốc) cho Phòng xây dựng thành phố Thái Nguyên để xin giấy phép xây dựng nhà và cơ quan này đã làm mất giấy tờ mua bán nhà đất của ông Hòa; nhưng Phòng quản lý đô thị thành phố Thái Nguyên (trước đây là Phòng xây dựng thành phố Thái Nguyên) khẳng định không làm mất tài liệu nhà đất của ông Hòa; ông Hòa cũng không xuất trình được tài liệu chứng minh việc mất giấy tờ đó. Mặt khác, ông Hòa còn xuất trình “đơn xin xác nhận diện tích đất” ngày 09-5-1991 của ông Hòa, bà Ngô Hồng Hạnh (vợ ông Hòa), trong đó nêu là vợ chồng ông Hòa đã mua nhà đất, hoa màu của cụ Lý từ năm 1980, nhưng giấy tờ mua bán đã bị mất; tuy Đơn này có điểm chỉ đề tên cụ Lý, nhưng cụ Lý không biết chữ (ông Hòa thừa nhận cụ Lý không biết chữ), đại diện Tổ nhân dân số 17 (ông Hà Tố Giảng), cán bộ địa chính thị trấn Chùa Hang (ông Hà Minh Tuân) và Ủy ban nhân dân thị trấn Chùa Hang không xác nhận cụ Lý điểm chỉ trước mặt chính quyền; ông Hà Tố Giảng khai rằng việc xác nhận của ông chỉ là kính chuyển các cơ quan chức năng xem xét; ông Hà Minh Tuân (cán bộ địa chính xác nhận có nội dung là vì tin vào đơn trình bày của ông Hòa nên ông Tuân đã xác nhận; do đó, không có cơ sở xác định cụ Lý điểm chỉ vào “đơn xin xác nhận diện tích đất” nêu trên là đúng ý chí của cụ Lý. Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ hợp thức đất cho ông Hòa (quyết định số166/QĐ-UB ngày 17-7-1993) trên cơ sở đơn yêu cầu của ông Hòa (có xác nhận của Tổ nhân dân, cán bộ địa chính xã và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chứ không kiểm tra giấy tờ gốc mua bán của ông Hòa. Tuy nhiên, ông Hòa đã có công sức chăm sóc, phụng dưỡng cụ Lý còn sống, lo tang lễ khi cụ Lý chết và quản lý, bảo vệ tài sản của vợ chồng cụ Lý, cụ Nghiêm; nên cần xem xét thỏa đáng công sức của ông Hòa khi giải quyết lại vụ án.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297; khoản 2 Điều 299 Bộ Luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 181/2006/DSPT ngày 15-9-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và hủy bản án sơ thẩm số 01/2006/DSST ngày 05-5-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử vụ án dân sự tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Quý, ông Đặng Xuân Sinh vơi bị đơn là Nguyễn Văn Hòa; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Thị hạnh, ông Ngô Thanh Giang.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

    Vụ án cần được xét xử sơ thẩm lại vì không đủ căn cứ xác định ông Sinh là người thừa kế; không có cơ sở xác định bị đơn đã mua nhà đất (di sản thừa kế), nhưng cần xem xét công sức của họ trong quá trình chăm sóc, lo tang lễ, bảo vệ tài sản của vợ chồng cụ Lý.

     

     
    3681 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận