Rủi ro khi thanh toán qua mạng viễn thông - Minh họa
Vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Việc giao dịch qua tài khoản viễn thông, ví điện tử,… đã không còn xa lạ với nhiều người, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không hề nhỏ người dân chưa đủ “rành công nghệ” để nhận diện những chiêu lừa đảo, vì vậy hãy ghi nhớ 5 thủ đoạn dưới đây!
1. Mạo danh ngân hàng, tổ chức có uy tín
Có 2 cách để mạo danh phổ biến nhất:
- Sử dụng số điện thoại ảo, lập số điện thoại gần giống số đường dây nóng của ngân hàng. Khi khách hàng gọi tới, chúng cho chuyển hướng cuộc gọi đến tổng đài chính thức của ngân hàng, theo dõi cuộc gọi và lấy dữ liệu thông tin khách hàng để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản.
- Lợi dụng uy tín thương hiệu của các ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Gửi tin nhắn, email, chat qua facebook messenger… với nội dung thông báo trúng thưởng hoặc phân chia tài sản kèm theo yêu cầu truy cập vào các đường link, trang web do kẻ lừa đảo cung cấp để có cơ sở nhận thưởng.
Khi truy cập vào website giả mạo đó và đăng nhập thông tin bảo mật thì thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của nạn nhân sẽ bị đánh cắp và gửi cho hacker để thực hiện một số hành vi phạm pháp như: chiếm đoạt tiền trong tài khoản thanh toán của khách hàng, thanh toán hàng hóa hoặc các dịch vụ bất hợp pháp khác...
2. Giả làm người nước ngoài
Đối tượng sẽ giả mạo đang ở nước ngoài cần mua hàng hóa dịch vụ trực tuyến cho người thân, sau đó yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ chuyển tiền (Moneygram, Western union,..) rồi gửi người bán tin nhắn có link truy cập vào webiste giả mạo. Khi chủ cửa hàng truy cập vào sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử, đối tượng sẽ lợi dụng rồi thực hiện giao dịch gian lận.
3. Giả làm cơ quan chức năng, người có thẩm quyền
Kẻ lừa đảo thường tự nhận là điều tra viên, cán bộ cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... liên hệ nạn nhân bằng số cố định để khai thác thông tin.
Các chiêu trò phổ biến là hù doạ rằng theo thông tin điều tra, họ đang nằm trong danh sách rửa tiền, đề nghị mở tài khoản và đăng ký tài khoản ngân hàng điện tử tại ngân hàng X để kiểm tra nguồn tiền... hoặc thông báo hiện tại, bưu điện đang ghi nhận bưu phẩm liên quan đến dư nợ thẻ tín dụng của nạn nhân.
Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân truy cập vào đường dẫn của cơ quan công an điều tra để được hỗ trợ chuyển tiền ngay. Nếu không đồng ý truy cập và thanh toán sẽ chịu truy tố trước pháp luật... nạn nhân thực hiện theo yêu cầu của đối tượng giả danh và sẽ bị thiệt hại tài chính.
4. Thông báo trúng thưởng, quà tặng
Kẻ gian sẽ giả danh các thương hiệu thông báo tới “con mồi” rằng họ đã trúng thưởng những phần quà đặc biệt khi mua sản phẩm. Chúng gọi điện thông báo khách hàng trúng thưởng, sau đó gửi SMS hoặc email kèm đường link hướng dẫn nhận phần thưởng, lừa nạn nhân đăng nhập thông tin cá nhân cũng như mã OTP (mật khẩu dùng một lần) gửi từ ngân hàng để chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Các website được chúng tạo ra luôn lấy giao diện của tổ chức, doanh nghiệp lớn nhằm tăng độ tin cậy, khiến nạn nhân lơ là. Một số còn mạo danh website ngân hàng, website nhận ngoại hối
5. Theo dõi câu hỏi của bạn trên các trang web hỗ trợ và giả làm người giải quyết
Với khách hàng đang sử dụng ví điện tử như Zalo, MoMo, Payoo... đăng tải câu hỏi lên website, fanpage của nhà cung cấp, đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng.
Sau đó, đối tượng lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là 1 bước yêu cầu để khắc phục lỗi rồi lợi dụng thông tin này thực hiện giao dịch gian lận.
Xin mời các bạn cùng chia sẻ kinh nghiệm, những chiêu lừa đảo tinh vi qua mạng tương tự những trường hợp kể trên!