Chào bạn.
Hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với người mất tin, mất tích vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 202/2013/TT-BQP hướng dẫn trình tự thủ tục ưu đãi người có công cách mạng. Cụ thể là:
Hồ sơ: 03 bộ (lưu tại đơn vị cấp giấy báo tử; đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý và thực hiện chế độ), mỗi bộ gồm:
a) Đơn đề nghị của thân nhân đối tượng, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú );
b) Phiếu xác minh đối với trường hợp mất tin, mất tích ;
c) Giấy báo tử ;
d) Giấy tờ làm căn cứ cấp giấy báo tử quy định tại Khoản 9 và Khoản 11 Điều 7 Thông tư này;
đ) Bản khai tình hình thân nhân liệt sĩ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân cư trú ;
e) Công văn đề nghị của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 3 Thông tư này.
Căn cứ quy định mà Ban biên tập Thư Ký Luật trích dẫn ở trên và đối chiếu với trường hợp mà bạn đã cung cấp thì cha bạn đã tham gia chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Do đó, bạn phải chuẩn bị hồ sơ (03 bộ giống nhau) bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú)
- Phiếu xác minh người mất tin, mất tích vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc;
- Giấy báo tử từ đơn vị
- Phiếu xác minh của một trong các cơ quan Cục Cán bộ, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội/Tổng cục Chính trị; Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu; Viện Kiểm sát quân sự các cấp; Tòa án quân sự các cấp; Cục Hồ sơ nghiệp vụ/Bộ Công an. Trường hợp hy sinh từ ngày 31/12/1994 trở về trước đã được ghi là liệt sĩ trong Giấy báo tử trận; Huân chương, Huy chương; Giấy chứng nhận đeo Huân chương, Huy chương; Bảng vàng danh dự; Bảng gia đình vẻ vang; danh sách liệt sĩ lưu trữ tại các trung đoàn và tương đương trở lên; lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản; báo cáo hàng năm từ trước năm 1995 của cấp ủy đảng được lưu giữ tại cơ quan có thẩm quyền của Đảng.
- Bản khai tình hình thân nhân người được đề nghị xác nhận liệt sĩ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú)
- Công văn đề nghị của Cục trưởng Cục Chính trị hoặc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (nơi không có Cục Chính trị), ký công văn đề nghị xác nhận chế độ ưu đãi người có công với cách mạng cho đối tượng thuộc quyền quản lý;
Sau khi chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ như trên, bạn gửi hồ sơ đề nghị đến Ủy ban nhân dân xã để xác nhận, lập hồ sơ và đề nghị Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện sẽ kiểm tra, xem xét, hoàn thiện hồ sơ theo thẩm quyền, gửi Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin về đối tượng. Nếu trường hợp kết luận phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ, tiêu cực, vi phạm pháp luật thì Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh có văn bản thông báo đến cơ quan quân sự các cấp, chính quyền địa phương, thân nhân gia đình đối tượng và nêu rõ lý do trả lại; lập sổ theo dõi, lưu trữ lâu dài; trường hợp kết luận chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ, tiêu cực, vi phạm pháp luật thì cấp giấy báo tử và hoàn thiện hồ sơ theo quy định, báo cáo Cục Chính trị quân khu. Cục Chính trị quân khu trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ sẽ xem xét hoàn thiện hồ sơ theo thẩm quyền, gửi Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị. Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ thẩm định, báo cáo Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có công văn đề nghị kèm theo hồ sơ gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" (tương đương quyết định xác nhận liệt sĩ).
Thân mến