Chào bạn.
Luật sư tư vấn vấn đề này như sau:
1/ Về cơ sở thì trước khi nhận kinh phí du học tại nước ngoài trị giá 850 triệu đồng, chồng bạn đã ký vào hợp đồng với tỉnh với nội dung cam kết làm việc sau đào tạo là 10 năm. Nếu vi phạm cam kết thì phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền chi phí đào tạo và bồi thường thêm một khoản bằng với kinh phí đào tạo (gấp đôi) cộng với lãi suất. Như vậy, giữa hai bên đã hình thành thỏa thuận bằng văn bản để xử lý trong trường hợp người có vi phạm. Dẫu biết rằng sau khi du học về chồng bạn vẫn chấp hành sự phân công công việc được 3,9 năm nhưng vì một số lý do khác cùng với việc lo sợ mai một kiến thức nên đã xin nghỉ việc để chuyển sang đơn vị khác. Quyết định nay được đơn vị chấp nhận nhưng kèm theo phải thực thi trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo theo hợp đồng đã ký .
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP thì chỉ yêu cầu người sau thời gian đào tạo phải cam kết làm việc tối thiểu gấp 2 lần thời gian đào tạo chứ không quy định thời gian tối đa là bao nhiêu nên bạn cần xem lại thời gian chồng bạn được đào tạo là bao nhiêu? liệu thời gian công tác sau đào tạo (3,9 năm) có là gấp đôi thời gian đào tạo hay chưa để trao đổi lại với đơn vị chứ bắt buộc làm đến 10 năm là quá dài.
2/ Về cách tính mức bồi thường thì tại điều 8 của Nghị định nói trên có nêu cách tính cụ thể trong trường hợp đào tạo sau đại học bạn tham khảo nhé và tuyệt đối không quy định tính lãi suất, không tính phạt gấp đôi gì cả:
Ví dụ: Anh A được cơ quan cử đi đào tạo thạc sỹ 02 năm (= 24 tháng), chi phí hết 30 triệu đồng. Theo cam kết, anh A phải phục vụ sau khi đi học về ít nhất là 48 tháng. Sau khi tốt nghiệp, anh A đã phục vụ cho cơ quan được 24 tháng. Sau đó, anh A tự ý bỏ việc. Chi phí đào tạo mà anh A phải đến bù là:
S =
|
30 triệu đồng
|
x (48 tháng - 24 tháng) = 15 triệu đồng
|
48 tháng
Như vậy, việc đơn vị tính phạt và lãi suất là không đúng quy định của pháp luật.
3/ Tại điều 9 của nghị định nói trên còn quy định cứ mỗi năm công tác được giảm đi 1% kinh phí đền bù nữa bạn nhé.
4/ Về thời gian và phương thức trả kinh phí đền bù thì theo quy định tại điều 14 của Nghị định nói trên:
Điều 14. Trả và thu hồi chi phí đền bù
1. Chậm nhất trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đền bù chi phí đào tạo của cơ quan có thẩm quyền, đối tượng phải đền bù chi phí đào tạo có trách nhiệm nộp trả đầy đủ chi phí đền bù.
2. Chi phí đền bù được nộp cho cơ quan, đơn vị đã chi trả cho khóa học.
3. Trong trường hợp không thống nhất việc đền bù chi phí đào tạo, các bên liên quan có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy, bạn và chồng cần xem xét các quy định nói trên để yêu cầu tính toán chi phí đền bù cho đúng quy định. Trường hợp hợp đồng đã ký có nội dung không đúng quy định nói trên thì cứ theo quy định này mà áp dụng.
Thân mến