Khám sức khỏe định kỳ là một trong những quy định bắt buộc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà người lao động (NLĐ) đang làm việc. Điều này được quy định tại các văn bản về lao động.
Qua đó, doanh nghiệp có thể theo dõi, rà soát tình trạng sức khỏe của lao động từ đó có thể giúp NLĐ điều trị nếu phát sinh bệnh. Trong trường hợp NLĐ đang là thử việc hoặc học nghề thì đối tượng này có được khám sức khỏe định kỳ tại doanh nghiệp?
Khám sức khỏe định kỳ là gì?
Khám sức sức khỏe định kỳ tại doanh nghiệp là một thủ tục bắt buộc mọi doanh nghiệp có người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải đến cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra sức khỏe.
Theo đó, có thể phát hiện được lao động nào đang bị ảnh hưởng bởi các tác động từ công việc đang làm gây ra và được doanh nghiệp chi trả điều trị.
Đối tượng khám sức khỏe định kỳ
Đối tượng khám sức khỏe định là một yếu tố cần có và được xác định cụ thể cho doanh nghiệp trong việc đăng ký khám đối với cơ sở y tế. Từ đó, có thể sàng lọc được đối tượng nào đủ điều kiện được khám.
(1) NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho doanh nghiệp.
(2) Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
(3) NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động.
(4) NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
(5) Người sử dụng lao động.
(6) Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Những người quy định tại các mục từ (1) đến (4) sau đây gọi chung là NLĐ, các đối tượng còn lại là bên doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.
Trách nhiệm của doanh nghiệp
Quy định về khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ hiện nay được căn cứ tại Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Theo đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm về việc khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho NLĐ như sau:
- Đối với NLĐ trong điều kiện bình thường thì hằng năm, doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho NLĐ.
- Đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
- Khám sức khỏe lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Lưu ý: Doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
Theo đó, mỗi năm ít nhất một lần thì NLĐ sẽ được khám sức khỏe định kỳ tại doanh nghiệp trực thuộc. Đối với các đối tượng khác thì là 06 tháng một lần mà không phân biệt NLĐ đó có đang thử việc không.
Chi phí khám sức khỏe cho người lao động
Trong trường hợp NLĐ được cơ sở y tế chẩn đoán mắc bệnh hoặc ảnh hưởng đến thể trạng cơ thể thì doanh nghiệp phải đưa NLĐ được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho NLĐ do doanh nghiệp chi trả và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế và chi phí hoạt động thường xuyên.
Qua quy định trên có thể thấy doanh nghiệp sẽ chịu toàn bộ khoản chi phí khám sức khỏe của NLĐ và điều trị bệnh nếu có chẩn đoán của cơ sở y tế về tình trạng của NLĐ.
Như vậy, khám sức khỏe định là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo sức khỏe cho NLĐ, việc khám sức khỏe định kỳ sẽ không phân biệt NLĐ có là đang trong quá trình thử việc hay học nghề hay không vì thế đối tượng chưa trở thành nhân viên chính thức cũng được khám sức khỏe.