Chào bạn hienkhung,
Theo tôi việc xuất hiện các ý kiến khác nhau, đôi khi trái ngược nhau đối với về cùng một quy định của pháp luật là điều bình thường. Để trao đổi với ý kiến của bạn, tôi nêu một số nội dung như sau:
1. Trong các nghĩa vụ mà Luật sư phải thực hiện theo Luật Luật sư thì nghĩa vụ đầu tiên là: “Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư” được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 21 Quyền và nghĩa vụ của luật sư.
Và trong các nguyên tắc hành nghề luật sư được nêu tại Điều 5 của Luật này thì nguyên tắc đầu tiên lại là: “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”.
Như vậy, bất luận người bào chữa làm nghề gì (Luật sư hay một nghề nào khác) thì cũng phải thượng tôn pháp luật.
2. Ngay trong trích dẫn của bạn lawyerhien cũng khẳng định: “….hoặc pháp luật có quy định khác”.
Theo tôi, pháp luật về hình sự có quy định miễn trừ trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, ví dụ: Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết,…, và về chủ thể chịu trách nhiệm được miễn trừ gồm tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, người dưới 14 tuổi,… Tuyệt nhiên không thấy đề cập là Luật sư thì được miễn trừ như trong trường hợp của topic, trong khi lại quy định công dân có có thể bị truy cứu TNHS với tội danh Không tố giác tội phạm.
Gộp cả 2 nội dung trên, tôi không nghĩ là Luật sư được miễn trừ TNHS trong trường hợp này.
3. Bạn sẽ trả lời sao đây khi CQTHTT yêu cầu bạn cung cấp thông tin về hành vi phạm tội khác của thân chủ (chưa bị phát hiện, xử lý) mà bạn biết được, ví dụ trong các trường hợp của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng? Liệu bạn từ chối bằng các dẫn chứng trên có thuyết phục được họ không?
4. Ví dụ bạn nêu về thẩm phán, mặc dù tôi không làm trong ngành tòa án và trong ngành có thể có những quy định nội bộ riêng, nhưng căn cứ vào các quy định của pháp luật được công bố tôi có thể lý giải như sau:
(Để đơn giản bớt các trường hợp không thật sự cần thiết, tôi giả thiết việc tòa án trả hồ sơ nhằm thay đổi tội danh bị truy tố là không có kết quả và buộc phải đưa vụ án ra xét xử). Khi đó do bị quy định về giới hạn xét xử nên Tòa không thể làm khác, vì vậy phải xét xử với tội cố ý gây thương tích như ví dụ của bạn.
Tuy nhiên sau đó người ta có thể đề nghị người có thẩm quyền xem xét Giám đốc thẩm vụ án này và truy tố với tội danh Giết người. Như vậy người thẩm phán đã làm tròn trách nhiệm và không bị “ra bản án trái pháp luật”. Ngược lại, nếu xử khác đi, tôi nghĩ bản án đó sẽ bị hủy vì vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Trân trọng,
LS Cao Sỹ Nghị
101 Đào Duy Anh, Phường 9, quận Phú Nhuận TP. HCM
Email: caosynghi@gmail.com