Đề án 1816 trong lĩnh vực y tế là gì? Chế độ đối với cán bộ đi luân phiên như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #612983 19/06/2024

    Đề án 1816 trong lĩnh vực y tế là gì? Chế độ đối với cán bộ đi luân phiên như thế nào?

    Đề án 1816 trong lĩnh vực y tế là gì? Được tiến hành như thế nào? Chế độ đối với cán bộ đi luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới như thế nào?

    Đề án 1816 trong lĩnh vực y tế (Hình từ Internet)

    Đề án 1816 trong lĩnh vực y tế là gì?

    Đề án 1816 là đề án được ban hành kèm theo Quyết định 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”. 

    Đây là Đề án có cơ sở khoa học và thực tiễn cao, nên đã được các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành y tế hưởng ứng và thi đua thực hiện. Đề án 1816 của Bộ Y tế còn có ý nghĩa lớn là đón đầu thực hiện 3 nghị quyết quan trọng của Ban chấp hành Trung ương khoá X (kỳ họp thứ 7) về đội ngũ trí thức; về công tác thanh niên; và về nông dân, nông nghiệp và nông thôn.

    Đề án 1816 được triển khai với mục tiêu:

    - Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng  sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế.

    - Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương.

    - Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.

    Chế độ đối với cán bộ đi luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới theo Đề án 1816 như thế nào?

    Chế độ đối với cán bộ đi luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới tại Mục 5 Đề án 1816 được quy định như sau:

    - Cán bộ đi luân phiên được giữ nguyên biên chế và được hưởng các chế độ như đang công tác tại đơn vị cử đi luân phiên.

    - Cán bộ đi luân phiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại nơi luân phiên (có quyết định khen thưởng của cơ sở, nơi cán bộ đến luân phiên) thì được đơn vị ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn, nâng ngạch khi đủ điều kiện và được hưởng các chế độ khen thưởng khác do đơn vị quy định.

    Đề án 1816 được tiến hành như thế nào?

    Sau đây là các bước tiến hành Đề án 1816:

    (1) Triển khai chủ trương của Đề án: Bộ Y tế quán triệt chủ trương cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên đi luân phiên, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới trong tháng 6/2008.

    (2) Các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện hạng I:

    - Cấp ủy Đảng, lãnh đạo các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện hạng I phối hợp cùng lãnh đạo các Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện tuyến tỉnh xây dựng nội dung kế hoạch cử và tiếp nhận cán bộ đi luân phiên trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.

    - Năm 2008 – 2009, Bộ Y tế chỉ định các bệnh viện có trách nhiệm cử cán bộ đi luân phiên (có Phụ lục số 1 kèm theo Quyết định 1816/QĐ-BYT).

    - Các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện hạng I khảo sát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu của các bệnh viện tuyến tỉnh và các kỹ thuật cần chuyển giao.

    - Các bệnh viện tuyến tỉnh đề xuất yêu cầu sát với thực tế để các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện hạng I đáp ứng hiệu quả các yêu cầu đề ra (về cơ cấu, số lượng, chất lượng cán bộ đến luân phiên, kỹ thuật công nghệ cần được chuyển giao) trên cơ sở có tham khảo kết quả công tác chỉ đạo tuyến trước đây.

    - Các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến tỉnh thống nhất kế hoạch về số lượng cán bộ, chuyên khoa, thời gian và các nội dung liên quan sau đó báo cáo Bộ Y tế.

    - Cấp ủy Đảng bệnh viện làm tốt công tác vận động, tuyên truyền chủ trương của Bộ Y tế; cán bộ y tế tình nguyện về các bệnh viện tuyến tỉnh công tác, gắn với trách nhiệm của đảng viên, đoàn viên công đoàn, đoàn viên đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tổ chức Đảng ra Nghị quyết lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể ra Nghị quyết vận động đoàn viên, hội viên tham gia. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động phong trào xung kích. Các bệnh viện xây dựng thành quy chế thực hiện.

    - Bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để cán bộ đi luân phiên yên tâm làm việc có hiệu quả. Bệnh viện tiếp nhận cán bộ tới luân phiên có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi về tinh thần và cơ sở vật chất (ăn ở, đi lại …) để cán bộ tới luân phiên hoàn thành nhiệm vụ.

    - Bộ Y tế bổ sung đủ biên chế và kinh phí để các bệnh viện tuyến trung ương đáp ứng công việc chuyên môn và đào tạo, thay thế cán bộ được đi hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh.

    (3) Các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện:

    - Trên cơ sở thực tế của địa phương, Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các bệnh viện xây dựng kế hoạch giúp tuyến dưới theo như tinh thần và nội dung tuyến trung ương giúp tuyến tỉnh tại Điểm b Khoản 6 nêu trên.

    - Riêng tuyến huyện, việc giúp các xã chưa có bác sĩ thì hình thức là cử bác sĩ về xã khám chữa bệnh theo buổi trong tuần.

    (4) Cán bộ y tế đi luân phiên:

    - Thông suốt về tư tưởng, tự nguyện tự giác.

    - Có kế hoạch hành động cụ thể như thực hành kỹ thuật, hướng dẫn thực hành, đào tạo cán bộ tại chỗ chủ yếu theo phương thức chuyển giao công nghệ báo cáo lãnh đạo bệnh viện.

    - Chấp hành sự phân công của lãnh đạo các bệnh viện đến hỗ trợ, thực hiện đầy đủ các quy định và quy chế chuyên môn đã được Bộ Y tế ban hành.

    Như vậy, Đề án 1816 chính là Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” được Bộ Y tế ban hành ngày 26/5/2008. Quy định về chế độ đối với cán bộ đi luân phiên, các bước tiến hành đề án được quy định tại đề án kèm theo Quyết định 1816/QĐ-BYT.

     
    58 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận