Ngày 3-8, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận về việc xác minh và làm rõ thông tin truyền thông về nữ sinh lớp 12 tử vong do tai nạn.
Trong những ngày qua, dư luận đã có phen dậy sóng với kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của nữ sinh Hồ Hoàng Anh, lớp 12, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Được biết, vào ngày 28/06/2022, nữ sinh này bị tai nạn giao thông trên đường 16-4 thuộc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm do ông Hoàng Văn Minh (36 tuổi, cán bộ Trung đoàn Không quân 937 đóng tại Phan Rang) cầm lái. Ngay sau đó, nữ sinh được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận và kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu được cho là 0,79g/lít.
Theo đó, gia đình nạn nhân và dư luận đặt ra nghi vấn, làm thế nào mà một nữ sinh 7 giờ sáng đến trường lại có nồng độ cồn lên đến 0,79g/lít, tương đương với người uống rượu bia thuộc loại tửu lượng cao.
Tuy nhiên, sau đó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã nhận trách nhiệm về việc sai sót trong kết quả xét nghiểm nồng độ cồn của nữ sinh với lý do kỹ thuật viên xét nghiệm thực hiện không đúng và đầu đủ, thiếu bước kiểm chuẩn những đã ký trả kết quả.
Thấy rõ được có sai sót trong quá trình xét nghiệm, Bộ Y tế đề nghị Ninh Thuận công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan báo chí. Báo cáo kết quả về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trước ngày 06/08/2022 .
Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này?
Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng gây chết người. Việc xác định sai nồng độ cồn là điều không được phép xảy ra, đặc biệt đối với kết quả của nận nhân trong vụ tai nạn.
Cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ sai sót này là do lỗi vô ý hay có chủ đích của cá nhân, tổ chức liên quan.
Trường hợp lỗi vô ý
Tùy thuộc mức độ nghiêm trọng mà hành vi gây ra, những cá nhân liên quan có thể bị xem xét kỷ luật theo quy chế của bệnh viện cũng như Điều lệ của ngành Y tế.
Trường hợp lỗi cố ý
Trường hợp lỗi cố ý có chủ đích của các cá nhân, tổ chức cần làm rõ cá nhân, tổ chức nào và nguyên nhân dẫn đến việc cố ý làm sai lệch kết quả xét nghiệm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều tra vụ án.
Bên cạnh đó, pháp luật có quy định rằng:
Trường hợp, làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc để đổ lỗi cho nạn nhân hoặc gây ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ việc, họ có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc theo Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015 và điểm a, b Khoản 133 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Trong đó, điểm a Khoản 133 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS 2017 quy định những cá nhân theo luật định có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù 01-05 năm; trường hợp cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Ngoài ra, trường hợp các cá nhân liên quan thuộc các đối tượng theo luật định tại Khoản 1 Điều 382 BLHS 2015 cố tình khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt từ từ 03 tháng đến 01 năm; hình phạt nặng nhất có thể lên đến 07 năm tù căn cứ tại Điều 382 BLHS 2015 .
Như vậy, nếu việc kết quả xét nghiệm sai do lỗi cố ý và các cá nhân liên quan thuộc một trong các nhóm đối tượng nêu trên, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.