Ngày 21 tháng 12 năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT ban hành “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu”
Theo đó Các yêu cầu và hoạt động kiểm soát của cơ quan thẩm quyền Việt Nam về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) được quy định như sau
Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu
Hệ thống hoá Các yêu cầu và hoạt động kiểm soát của cơ quan thẩm quyền Việt Nam về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU).
Hoạt động đăng ký, thẩm định, chứng nhận ATTP cho các lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm xuất khẩu sang thị trường EU.
Cơ quan thẩm định
- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý về an toàn thực phẩm thủy sản chịu trách nhiệm thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP đối với: công đoạn nuôi, thu hoạch; khai thác, bảo quản trên tàu, bốc dỡ tại cảng cá; công đoạn thu mua, sơ chế, bảo quản, vận chuyển thủy sản để chế biến xuất khẩu vào thị trường EU.
- Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và các đơn vị trực thuộc:
+ Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và các Chi cục trực thuộc Cục thực hiện việc thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU.
+ Các Trung tâm vùng thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thực hiện thẩm định và chứng nhận ATTP (chứng thư) cho các lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm xuất khẩu sang thị trường EU; giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về bảo đảm ATTP trong toàn bộ quá trình thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm trước khi xuất khẩu của cơ sở thuộc địa bàn phân công phụ trách.
Cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu cho chế biến để xuất khẩu sang thị trường EU
- Sử dụng con giống đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 1, Điều 23 Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định tương ứng của pháp luật về thú y đối với con giống.
- Sử dụng thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Thủy sản năm 2017. Chỉ sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018.
- Sử dụng hóa chất, thuốc thú y được cấp phép lưu hành tại Việt Nam trong quá trình nuôi theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Việt Nam, Quy định EU số 37/2010 và các quy định sửa đổi bổ sung của EU.
- Đáp ứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Chương IV của Quy định EU số 2022/2292 và các quy định sửa đổi, bổ sung quy định này (trừ các đối tượng nuôi, sản phẩm quy định tại khoản 2, Điều 5 Quy định EU số 2022/2292).
- Cơ sở nuôi đảm bảo lưu giữ tài liệu, hồ sơ, thông tin liên quan đến quá trình nuôi, cụ thể: giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản dùng trong quá trình nuôi trồng thủy sản, thời điểm và sản lượng thu hoạch, nơi xuất bán theo quy định về truy xuất nguồn gốc nêu tại điểm e khoản 2 Điều 42 Luật Thủy sản năm 2017; quy định tại Mục III,
Phần A, Phụ lục 1, Quy định EC số 852/2004 và các quy định sửa đổi bổ sung quy định này.
Kiểm soát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở nuôi
Cơ sở nuôi thủy sản được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư này hoặc đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực hoặc đã thực hiện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và được kiểm tra việc thực hiện các nội dung đã cam kết theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phương thức quản lý điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trên đây là yêu cầu và hoạt động kiểm soát của cơ quan thẩm quyền Việt Nam về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) theo Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT có hiệu lực tùa ngày 04/02/2024.