Ý thức pháp luật của chính quyền

Chủ đề   RSS   
  • #200490 12/07/2012

    lawcao

    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/07/2010
    Tổng số bài viết (65)
    Số điểm: 1058
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 63 lần


    Ý thức pháp luật của chính quyền

     

    (VietQ.vn) - Một khi chính quyền còn không chịu tuân thủ pháp luật, không ý thức được nghĩa vụ phải làm những gì pháp luật cho phép thì sao có thể buộc người dân không được làm những gì chính quyền cấm? 

    Hạn chế nhập cư, dân nghèo vẫn đổ về thành ph


    Gần đây nhiều người dân băn khoăn đặt câu hỏi về sự tùy tiện khi chính quyền các địa phương ban hành các văn bản quy phạm trái với quy định của Trung ương. Khi có văn bản nhắc nhở, không những không có động thái sửa đổi cho phù hợp với nguyên tắc pháp chế, đúng với lý lẽ, tuân thủ pháp luật, một số cá nhân lãnh đạo chính quyền địa phương lại cho rằng họ có quyền làm việc mà họ cho là phù hợp, dù trái luật. 

    Liên quan đến phát biểu mới đây của lãnh đạo TP. Đà Nẵng về “quyết tâm” ban hành văn bản để đi đến cùng cái gọi là phân bổ dân cư, mà thực chất là hạn chế một số đối tượng nhập cư vào nội thành Đà Nẵng, có thể thấy dường như pháp luật đang bị coi nhẹ, "lệ làng" đang được cổ súy, tung hô.

    Về nội dung của chính sách, có thể thấy vấn đề quản lý, phân bổ dân cư đang là câu chuyện cần phải quan tâm không chỉ riêng Đà Nẵng, không chỉ là việc riêng của một chính quyền đô thị. Sự mất cân bằng trong cách cố đi lên của các địa phương và mỗi nơi có một kiểu, hoặc trì trệ hoặc quá tải sẽ làm cho bức tranh đi lên của kinh tế - xã hội chung cả nước trở thành lem nhem.
     
    Sự phát triển của Đà Nẵng trong những năm qua là không thể phủ nhận
    Sự phát triển của Đà Nẵng trong những năm qua là không thể phủ nhận
     
    Thế nhưng, sâu xa của việc ngăn cản người dân có được điều kiện cư trú qua cái sổ hộ khẩu (thường trú) cũng chưa giải quyết được bài toán phân bổ dân cư. Hiện nay, số lượng người đến với TP.HCM, Hà Nội ngày một đông đặc, trong nguồn dân cư đổ xô về đó có rất nhiều người dân chưa được đăng ký thường trú trong nhiều năm nhưng họ vẫn sinh sống, lập nghiệp và dòng chảy dân cư vẫn tiếp tục. Câu chuyện cấm cản nhập cư như vậy có thể nói là không có hiệu lực để phân bổ dân cư.
     
    Đà Nẵng là thành phố phát triển năng động, trẻ trung nên chắc chắn sẽ thu hút dòng chảy dân cư về thành phố này ngày một tăng. Một nghị quyết trái luật, cấm cản người dân đăng ký thường trú cũng sẽ không làm cho Đà Nẵng ngăn được dòng chảy tất yếu đó. 
     
    Không chỉ Đà Nẵng mà tất cả các địa phương phải ngồi lại, Chính phủ, Quốc hội phải có quyết sách phát triển kinh tế - xã hội cân bằng hơn, quy hoạch vùng, miền kinh tế phù hợp hơn để kéo dãn dân cư ra nhiều hướng, rải đều các địa phương để "chia lửa" cho sức ép nhập cư từ các đô thị phát triển. Trước khi làm được công cuộc dài hơi đó, về giải pháp trước mắt, các đô thị lớn cũng cần tự mình có các hoạch định về cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, dự án nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện... sao cho đảm bảo sự cân bằng giữa các quận, huyện sẽ giảm tải được sự quá tải của nội thành. 
     
    Về dân số, dân Đà Nẵng chưa bằng 1/5 dân Singapore; còn về diện tích, đảo quốc này nhỏ bằng một nửa Đà Nẵng. Thế nhưng, như quốc đảo Singapore mà Đà Nẵng đang âm thầm muốn học theo để lớn lên, họ không đến nỗi cuống cuồng run sợ và áp đặt chính sách cấm cản sự nhập cư một cách tùy tiện. 
     
    Xây dựng một cái form chuẩn cho chính quyền đô thị thực là việc nên làm, nhưng cần những cái đầu đủ tầm và cần những trái tim biết đập vì dân. 
     
    Đứng về khía cạnh tuân thủ pháp lý và ý thức pháp lý, trong một xã hội dân chủ, văn minh thì tuân thủ pháp luật không chỉ là quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức buộc phải tuân thủ mà còn là giá trị văn hóa cao đẹp cần hướng đến của từng công dân.
     
    Hiện nay, từ câu chuyện tham gia giao thông của người dân đến các ứng xử quen thuộc hàng ngày như chuyện đăng ký tạm trú, tạm vắng, bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế... đều có thể nhận ra từng người dân phải cố gắng nhiều hơn để điều chỉnh ý thức và hành vi của mình trở nên đẹp hơn, nhân văn và tiến bộ hơn trong lòng các quy phạm pháp luật. Không thể lấy sự tư lợi, thuận tiện phục vụ cho mục đích cá nhân của mình làm lý lẽ của hành động dẫn đến coi thường luật pháp.  
     
    Chính sách phân bổ dân cư của Đà Nẵng là trái với các quy định pháp luật
    Chính sách phân bổ dân cư của Đà Nẵng là trái với các quy định pháp luật

    Trên thực tế, khi người dân có ý thức tuân thủ pháp luật kém, có hành vi vi phạm pháp luật, không những họ chịu chế tài mà còn bị búa rìu dư luận chĩa vào với những sự phẫn nộ, chê trách ở khía cạnh đạo đức, văn hóa. 
     
    Còn chính quyền, vấn đề ý thức tuân thủ pháp luật được thể hiện ra sao? Chính quyền được lập ra để quản lý công dân thực hiện các nghĩa vụ và bảo đảm cho công dân được hưởng quyền của mình, việc quản lý đó phải bằng pháp luật, không thể trái với điều mà pháp luật cho phép chính quyền được làm. Hàng loạt vi phạm của chính quyền, ý thức tuân thủ pháp luật kém của nhiều cán bộ, công chức trong không ít trường hợp đã gây ra những thiệt hại cho nhà nước, gây mất lòng tin ở nhân dân là bài học không hề nhỏ. 
     
    Không thể lấy sự “phù hợp” mang tính địa phương để ban hành các quy định trái luật, cản trở người dân thực hiện quyền của mình. Nghị quyết số 23 của HĐND TP. Đà Nẵng ngay khi còn dự thảo đã có nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng có những nội dung trái với Luật cư trú, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ...
     
    Thế nhưng, Nghị quyết 23 vẫn được ban hành, gây nhiều băn khoăn về sự “vượt rào” của chính quyền Đà Nẵng trước những quy định Quốc hội đã ban hành và có hiệu lực thi hành trong cả nước. Sau khi Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị HĐND TP. Đà Nẵng tự hủy Nghị quyết 23, đến nay Đà Nẵng vẫn bình thản triển khai và cho biết sẽ tiếp tục thực hiện hoặc nếu có bị hủy bỏ thì sẽ ban hành nghị quyết khác thay thế để làm cho được điều Đà Nẵng cần làm (?!). 
     
    Không thể phủ nhận Đà Nẵng những năm gần đây đã có những đổi mới, những ý tưởng tốt để ngày càng làm cho thành phố phát triển hơn, tạo hình ảnh đẹp hơn lên trong lòng người dân thành phố. Chắc chắn rằng người dân Đà Nẵng, dù không được công nhận thường trú tại Đà Nẵng, nhưng sinh sống và làm việc trên mảnh đất giàu tiềm năng này sẽ luôn mong muốn chính quyền nơi họ đang sống có những sáng tạo hợp lý, hợp pháp để cuộc sống của họ được ấm no, yên bình. 
     
    Nhưng, dù là ý tưởng, là sáng kiến nào với mong muốn vượt thoát, "hóa rồng" đều phải phù hợp với chính sách, pháp luật. Chỉ khi, Đà Nẵng có những kiến nghị hợp lý để Quốc hội, Chính phủ thay đổi những quy định mà Đà Nẵng muốn “vượt rào”, thì Đà Nẵng hãy làm những điều tốt đẹp cho thành phố theo kiến nghị đó. Như một công dân bình thường muốn rẽ phải khi gặp đèn đỏ ở ngã tư, dù rất hợp lý, nhưng vẫn phải chờ chính quyền treo bảng được phép rẽ phải mới có cơ sở để làm... 
     
    Một khi, chính quyền còn không chịu tuân thủ pháp luật, không ý thức được nghĩa vụ phải làm những gì pháp luật cho phép thì sao có thể buộc người dân không được làm những gì chính quyền cấm? 
     
    Lê Cao

    http://vietq.vn/thoi-su/thoi-su-trong-nuoc/39-da-nang-muon-xe-rao-nhap-cu-thieu-can-nhac

    Cập nhật bởi lawcao ngày 12/07/2012 11:11:40 SA Cập nhật bởi lawcao ngày 12/07/2012 11:00:44 SA

    Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN,

    193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng,

    www.fdvn.vn ĐT: 05113. 890 568

    ..................................................Chơi với phù phiếm!......................

     
    7113 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận