Thời buổi phát triển, ngành công nghệ thông tin có những đóng góp tích cực trong sự phát triển nhân loại, đặc biệt là tốc độ truyền tin lan rộng khắp thế giới. Trước đây, để cập nhật tin tức thời sự hàng ngày, bạn phải mua một tờ báo hoặc mở ti vi để xem. Nhưng xem rồi bạn chẳng thể điều chỉnh xem lại theo ý muốn của mình, hoặc giả như bạn muốn tìm một tin nào đó cũng khó.
Ngày nay, bạn chỉ cần ngồi ở nhà, một cái máy tính có kết nối mạng, chỉ cần click, click và click, bạn có thể nắm được các thông tin sự kiện xung quanh mình. Tốc độ thông tin lan truyền đi khá nhanh, thì khả năng bài viết của bạn bị đánh cắp cũng khá cao (ở đây mình nói đến các trường hợp copy bài viết và không dẫn nguồn).
Nhiều lần xem qua các fanpage trên facebook, nhiều Admin than thở rằng: “Bài do mình viết hoặc tạo ra, mình đăng chỉ được mấy like, trong khi đó, page khác copy về đăng lại được like quá trời, đáng nói ở đây là bài copy lại không ghi nguồn”. Hoặc có trường hợp copy bài viết, không ghi nguồn, quá trình sử dụng mang lại những hậu quả xấu cho người dùng, bên copy lại “đổ thừa” cho bên nguồn, lúc này ai sẽ là người chịu trách nhiệm?...Và rất nhiều tình huống.
Thấy cũng khá bất bình về việc này, mình thử xem pháp luật có quy định về việc này không.
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác…
Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả
1. Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo.
2. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
|
Như vậy, các tác phẩm của cá nhân mang tính mới, tính sáng tạo mà không phải là văn bản quy phạm pháp luật, hành chính hay quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, nguyên lý, định luật, số liệu, khái nhiệm đều được quyền bảo hộ theo Luật sở hữu trí tuệ 2005.
Cũng theo Luật này, nghiêm cấm các hành vi xâm phạm quyền tác giả sau:
6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp phục vụ cho mục đích nghiên cứu và giảng dạy cá nhân...
|
Đồng thời, Nghị định 131/2013/NĐ-CP cũng quy định xử phạt hành chính hành vi này với mức sau:
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
|
Nhận biết được tình trạng này xuất hiện nhiều, nhiều bài báo, bài viết trên các trang web thường có dòng “Copy bài viết này xin trích dẫn nguồn” như một cách để xin phép tác giả để sao chép bài viết.
Pháp luật có quy định rõ về các hành vi này, tuy nhiên, cơ chế quản lý việc chấp hành chưa thực sự chặt chẽ, hiện nay, các trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam xảy ra rất nhiều. Tuy nhiên các trường hợp xử lý thì rất ít, thường chỉ xảy ra xử lý hành chính hay hình sự khi hành vi xâm hại quyền tác giả đến mức độ nghiêm trọng.
Phải chăng, dân mình chưa thực sự chú trọng đến quyền sở hữu trí tuệ? Hay mức phạt chưa đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm?
Cập nhật bởi shin_butchi ngày 15/06/2015 05:35:25 CH