Chào bạn!
Hành vi của đối tượng trên là hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới.
Tại phần III Thông tư số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thuốc pháo như sau:
Về tội danh:
Điểm c mục 1: "Người nào vận chuyển trái phép qua biên giới pháo nổ, thì bị truy cứu TNHS về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quy định tại Điều 154 BLHS".
Về số lượng vật phạm pháp để làm căn cứ truy cứu TNHS:
Điểm 2.3: "Người nào mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ có số lượng từ 10kg đến dưới 50kg (được coi là số lượng lớn) hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử phạt hành chính, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu TNHS theo khoản 1 tương ứng của Điều 153, Điều 154 hoặc Điều 155 BLHS".
Như vậy, đối tượng vận chuyển pháo trái phép qua biên giới với số lượng là 8kg, chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Nên:
- Nếu đã bị xử lý hành chính thì bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 154 BLHS.
- Nếu chưa bị xử lý hành chính thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính, tang vật là pháo nổ bị tịch thu theo quy định tại điểm đ khoản 4 và điểm a khoản 8 Điều 13 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Điều 13. Hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm.
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
đ) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 1; điểm a, b, c, đ khoản 2; điểm b, d, đ khoản 3; điểm a, b, d, đ khoản 4; khoản 5; khoản 6 Điều này;
Nghị định này chỉ quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân và Chủ tịch UBND các cấp. Còn thẩm quyền xử phạt của các cơ quan khác quy định tại Điều 30 như sau:
Ngoài những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 28 và 29 của Nghị định này, những người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc địa bàn và lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì có quyền xử phạt theo quy định của pháp luật.
Như vậy, thẩm quyền xử phạt trong trường hợp này thuộc về cơ quan Hải quan theo quy định tại điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 34 Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:
Điều 34. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Hải quan
3. Chi cục trưởng Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan có quyền:
b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
4. Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan có quyền:
b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực hải quan, thuế quy định tại các điểm c và d khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh này;
Chiếc xe máy là phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Việc xử lý thực hiện theo Điều 17 Pháp lệnh số 44/2002/PL-UBTVQH10 quy định:
Điều 17. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính
1. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là việc sung vào quỹ nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính.
2. Không tịch thu tang vật, phương tiện bị cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp.
Như vậy, nếu người cho mượn xe biết được đối tượng mượn xe để vận chuyển pháo nổ thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước. Nếu chứng minh được họ không biết được việc làm của đối tượng thì đồng nghĩa với việc đối tượng đã sử dụng trái phép chiếc xe để vi phạm hành chính, nên nó phải được trả lại cho chủ sở hữu.
Trân trọng!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!