Xử hành vi “ăn gian” ở cây xăng: Hành chính hay hình sự ?

Chủ đề   RSS   
  • #340389 22/08/2014

    luatsutraloi2

    Mầm

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:01/08/2014
    Tổng số bài viết (91)
    Số điểm: 680
    Cảm ơn: 95
    Được cảm ơn 16 lần


    Xử hành vi “ăn gian” ở cây xăng: Hành chính hay hình sự ?

     
     

     

    Mới đây, Báo điện tử CAND đăng bài “Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) “né” kiến nghị xử lý hình sự các cây xăng gian?”, cho biết:“Ông Phạm Xuân Cần, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, Trưởng Đoàn Thanh tra liên ngành nói, Đoàn Thanh tra đã tiến hành xử lý hành chính và chuyển giao tài liệu cần thiết cho Sở Công thương, Công an tỉnh…...

    Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15), Công an tỉnh Nghệ An lại cho biết, PC15 nhận được thông báo từ phía Sở KH&CN về các cây xăng vi phạm chứ không phải văn bản kiến nghị, chuyển hồ sơ xem xét khởi tố, điều tra... Các chuyên gia hàng đầu về luật nhất quán khẳng định: Hành vi vi phạm của các cây xăng được Thanh tra Bộ KH&CN công bố là rất nghiêm trọng, có đủ căn cứ khởi tố về tội "Lừa dối khách hàng" theo Điều 162 Bộ luật Hình sự. Thế nhưng, Thanh tra các Sở KH&CN nơi có cây xăng vi phạm vẫn chỉ xử lý hoặc kiến nghị xử lý hành chính, mà không kiến nghị xử lý hình sự. Tại sao có nghịch lý này trong khi hành vi, tính chất, thủ đoạn vi phạm tương tự như ở cây xăng Nhật Vân tỉnh Đồng Nai đã bị khởi tố?”.

     

    Vậy, có quy định nào của pháp luật xử lý tình huống nêu trên không? Trong trường hợp Cơ quan Thanh tra không kiến nghị khởi tố hình sự đối với hành vi “ăn gian”(hay “lừa dối khách hàng”) ở cây xăng thì phải chăng người vi phạm đương nhiên được... “an toàn”?

     

    Ý kiến của tôi

    1. Việc xử lý tình huống nêu trên đã được hướng dẫn rất rõ tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT/VKSNDTC-TTrCP-BCA-BQP ngày 23/5/2006 của Viện KSND Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng “Về quan hệ phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan Thanh tra kiến nghị khởi tố”. Theo đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, nếu Cơ quan Thanh tra phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, thì “trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, Cơ quan Thanh tra phải chuyển hồ sơ vụ việc đó và bản kiến nghị khởi tố đến Cơ quan Điều tra có thẩm quyền để xem xét khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết” (khoản 2.1 TTLT).

     

    2. “Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật” là nguyên tắc đã được Bộ luật Hình sự khẳng định. Các Cơ quan Thanh tra, điều tra, kiểm sát hay tòa án, tùy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau, nhưng đều là những cơ quan quyền lực Nhà nước có vai trò quan trọng và nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội nên trong hoạt động của mình, nguyên tắc đó càng phải được tôn trọng.

     

    3. Cần lưu ý, ngay cả khi Cơ quan Thanh tra... “né” kiến nghị khởi tố đối với việc “ăn gian” ở các cây xăng, thì điều đó cũng không có nghĩa là người đã thực hiện hành vi vi phạm (đến mức cần phải xử lý hình sự) đương nhiên được... “an toàn”, bởi vấn đề này đã được pháp luật quy định chặt chẽ.

     

    Thật vậy, Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT/VKSNDTC-TTrCP-BCA-BQP hướng dẫn như sau: “Khi kết thúc cuộc thanh tra, Cơ quan Thanh tra không kiến nghị khởi tố, nhưng Cơ quan Điều tra phát hiện vụ việc đã thanh tra có dấu hiệu tội phạm thì ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện Kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc khởi tố. Trong trường hợp này, nếu Cơ quan Điều tra đề nghị thì Cơ quan Thanh tra có trách nhiệm phối hợp cung cấp những tài liệu liên quan đến việc xác định tội phạm mà Cơ quan Thanh tra đã thu thập được trong quá trình thanh tra” (khoản 2.2 TTLT).

     

    4. Tại sao tồn tại nghịch lý: Đối với vụ này, Cơ quan Thanh tra không kiến nghị khởi tố trong khi hành vi, tính chất, thủ đoạn vi phạm của nó tương tự như ở cây xăng Nhật Vân (tỉnh Đồng Nai) đã bị khởi tố?

     

    Chính sách nhất quán của Nhà nước ta là: “Không để lọt tội phạm”, “Không làm oan người vô tội”.

    Chắc chắn câu hỏi về “nghịch lý” đó sẽ được giải đáp thỏa đáng, bởi qua thông tin đại chúng, việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng chế tài hành chính hay hình sự để xử lý hành vi “ăn gian” ở các cây xăng đang được các cơ quan dân cử và nhân dân quan tâm theo dõi và giám sát chặt chẽ.

     

    (Bài đăng trên Báo Thanh tra, số 136/2008. 11/11 KTHT VN. 34/2009)

    (Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn - Chuyên viên cao cấp tại Hãng Văn phòng Luật NewVision)

     

     
     
    3997 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #340384   22/08/2014

    luatsutraloi2
    luatsutraloi2

    Mầm

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:01/08/2014
    Tổng số bài viết (91)
    Số điểm: 680
    Cảm ơn: 95
    Được cảm ơn 16 lần


    Xử lý tố giác, tin báo về tội phạm ?

     

    Ngày 22/9/2008, ông Nguyễn Tiến Quân, cùng bà Trần Thị Thu (trú tại thị xã Sông Công) và ông Nguyễn Tuấn Dũng (trú tại thành phố Thái Nguyên) gửi đơn tới công an tỉnh Thái Nguyên, tố cáo vợ chồng ông bà Phùng Văn Liêm - Dương Thị Xuân, trú tại phường Mỏ Chè, thị xã Sông Công về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của họ với số tiền 1.613.437.000 đồng (một tỷ sáu trăm mười ba triệu bốn trăm ba mươi bảy nghìn đồng). Cụ thể, ngày 5/2/2008, ông Liêm vay của bà Thu 580 triệu đồng và ngày 27/2/2008, vay của ông Quân 500 triệu đồng (đều có văn bản vay nợ). Tiếp đó, trong hai ngày 12 và 14/4/2008, ông Liêm mua của ông Dũng 30 tấn thép (trị giá 533 triệu 437 nghìn đồng) theo hình thức thanh toán trả chậm sau 10 ngày, nhưng sau đó...chiếm đoạt luôn!

    Các ông Nguyễn Tiến Quân, Nguyễn Tuấn Dũng và bà Trần Thị Thu cho biết từ cuối tháng 4/2008, ngay sau khi phát hiện ông Phùng Văn Liêm có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân, ba người này đã gửi đơn tố cáo đến Công an thị xã Sông Công. Ngày 7/5/2008, ông Liêm bị công an thị xã Sông Công tạm giữ, nhưng ít ngày sau thì được cho về nhà; sau đó, hai vợ chồng ông bà Liêm - Xuân  đã bán nhà, bán đất trót lọt mà không hề gặp cản trở nào (?) và đến nay, không thấy họ có mặt tại địa phương nữa...

    Việc giải quyết tố giác tội phạm như trên có đúng quy định của pháp luật không?

     

    Ý kiến của tôi:

    1. Đã 5 tháng trôi qua, kể từ ngày những người bị hại gửi đơn tố cáo lần đầu tới công an thị xã Sông Công, nhưng chưa nhận được “hồi âm” cho thấy cơ quan điều tra không thực hiện đúng quy định sau đây tại khoản 2, Điều 103 Bộ Luật Tố tụng hình sự: “Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”. Điều 116 Bộ Luật cũng quy định: “Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình, Cơ quan điều tra phải đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền...”.

    2. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có các dấu hiệu quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ Luật Hình sự là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy định pháp luật, thẩm quyền điều tra trong trường hợp này thuộc cơ quan điều tra cấp tỉnh (khoản 4, Điều 110). Như vậy, các ông Nguyễn Tiến Quân, Nguyễn Tuấn Dũng và bà Trần Thị Thu gửi đơn tố cáo (lần 2) đến Công an tỉnh Thái Nguyên là đúng địa chỉ.

    3. Đề cao nguyên tắc xử lý được quy định tại khoản 1, Điều 3 Bộ Luật Hình sự: “Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”, hy vọng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên sẽ nghiêm túc xem xét, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo đúng quy định của Bộ Luật TTHS, đồng thời thông báo kết quả giải quyết “cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết” (khoản 3, Điều 103)./.                         

     

    (Bài đăng trên Báo Thanh tra, số 124/2008. 14/10. KTHTVN 40/2008)

    (Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn - Chuyên viên cao cấp Hãng Luật sư NewVision)

     

     
    Báo quản trị |