VOVGT – Bản chất của các quy phạm pháp luật là kết quả của một quá trình chọn lọc, ghi nhận những cách sử sự hợp lý, khách quan, phù hợp với lợi ích của xã hội...
Bản chất của các quy phạm pháp luật là kết quả của một quá trình chọn lọc, ghi nhận những cách sử sự hợp lý, khách quan, phù hợp với lợi ích của số đông trong xã hội. Tuy nhiên, vận dụng luật pháp như thế nào lại là câu chuyện của số ít, đôi khi, đó là số ít đó chỉ là một nhóm người trong vai quan tòa.
Trong tuần qua, hai người phụ nữ Hà Nội vừa bị trả giá cho hành vi của mình. Một bà mẹ trẻ đã lĩnh mức án 12 tháng tù vì hất xô mắm tôm vào một nhóm đàn ông. Một nữ nhân viên y tế được cho thôi việc bởi ăn bớt vacxin khi tiêm phòng cho con trẻ. Một người phạm lỗi vì lỗ mãng, một người gây họa bởi tinh vi.
Bị cáo Huyền tại phiên phúc thẩm ngày 17/5. Ảnh: Việt Dũng.
Người mẹ trẻ tên Huyền vừa nhận án tù 12 tháng đã có một hành động kinh khủng, theo đúng nghĩa đen. Đó là hắt cả xô mắm tôm vào bảy người đàn ông, đang phục vụ đoàn công tác liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm của huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Chị phạm tội trong hoàn cảnh xót của, do đoàn công tác tịch thu mẹt thịt chó, nguồn mưu sinh hàng ngày của gia đình chị.
Chị phạm tội trong hoàn cảnh xót người, vì mẹ chị bị xô ngã trong lúc giằng co với 7 người đàn ông đang làm nhiệm vụ.
Chị phạm tội một cách lỗ mãng, cho dù mắm tôm là một thứ gia vị rất ngon nhưng đối với những người đang không ăn thịt chó thì nó rất kinh khủng. Và những người bị hắt mắm tôm vào cơ thể thì nhục lắm, nhất là khi họ đang trong những bộ trang phục oai vệ.
Bởi thế, chị lĩnh án 12 tháng tù vì tội làm nhục người khác.
Nữ nhân viên y tế Hoa
Nữ nhân viên y tế tên Hoa vừa bị cho thôi việc vì sai phạm trong chuyên môn. Chị ăn bớt những liều vacxin dùng phòng bệnh cho trẻ dù chị được đào tạo, được trả lương vì biết vacxin không đủ liều có thể khiến những đứa trẻ gặp hiểm nguy về tính mạng.
Chị phạm lỗi trong hoàn cảnh xót của, vì có thể chị biết mỗi liều vacxin bớt lại bằng tiền lời bán thịt chó cả ngày.
Chị phạm lỗi trong hoàn cảnh xót người vì có thể chị đọc báo và biết rằng nửa triệu đồng là một bữa cơm có thịt của cả chục học sinh miền núi, trong khi đó lại là một liều vacxin mà những nạn nhân của chị hoàn toàn không cần tiêm dịch vụ.
Chị phạm tội một cách tinh vi những đứa trẻ bị tiêm thiếu vacxin chỉ có thể bị ốm đau rất lâu sau đó, và thậm chí chẳng biết vì sao mình đau ốm. Và cho dù hành vi của chị bị phát hiện thì đối tượng bị làm nhục chỉ có thể là ngành y tế. Nhưng, ngành y tế có quá nhiều vấn đề phải lo lắng nên chưa có thời gian để cảm thấy nhục về sự việc này.
Hai người đàn bà, hai câu chuyện giống mà khác nhau về tội ác và trừng phạt.
Giống nhau ở chỗ họ đều coi thường đồng loại. Hắt mắm tôm vào cán bộ chức năng, chị Huyền coi thường danh dự của những người đàn ông quyền lực. Bớt vacxin của trẻ con, chị Hoa coi thường tính mạng của những đứa trẻ yếu ớt.
Khác nhau ở cách đánh giá của dư luận xã hội. Hành động của chị Hoa được dư luận lên án là tội ác chống lại loài người. Hành động của chị Huyền bị coi là giận quá mất khôn.
Nhưng có một điểm đặc biệt giống nhau trong hai câu chuyện này. Đó là sự khả năng vận dụng luật pháp vô cùng linh hoạt.
Hành động ăn bớt vacxin của chị Hoa có đầy đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, tội lừa đảo. Song, lời phán quyết dành cho chị là sai phạm trong công tác chuyên môn.
Hành động hắt mắm tôm vào 7 cán bộ của chị Huyền là chống người thi hành công vụ. Song, tội đó nhẹ khi hậu quả không nghiêm trọng, nên lời phán quyết dành cho chị là tội làm nhục người khác.
Cùng là sự linh hoạt khi vận dụng luật pháp nhưng số phận của hai người phụ nữ sẽ vô cùng khác nhau.
Chị Huyền vào tù vì lỗ mãng sẽ khiến đứa con 36 tháng tuổi của chị vắng mẹ một năm, và cuộc sống của nó sẽ vô cùng bấp bênh vì chị, với mẹt thịt chó, là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Trong khi đó, chị Hoa sau khi bị thôi việc thì vẫn có thể bán thịt chó mắm tôm, nếu muốn.