Chào bạn!
1. Vấn đề thứ nhất bạn hỏi tôi xin trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 (Có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2011) thì Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:
“a) Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này;
b) Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”
Điều 36 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định về Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:
“1. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm có:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
d) Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
đ) Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 35 của Luật này;
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Về cơ quan cấp phép: Cục an toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ y tế
1. Vấn đề thứ hai bạn hỏi tôi xin trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về việc xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Theo đó thì Công dân Việt Nam được cấp hộ chiếu quốc gia hoặc giấy tờ khác phù hợp để xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định tại Nghị định này và Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Khi đi du lịch nưới ngoài bạn phải có hộ chiếu quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để xuất cảnh, nhập cảnh. Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2007/NĐ-CP thì giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh được cấp riêng cho từng công dân trong đó có Hộ chiếu quốc gia cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi, Hộ chiếu này có giá không quá 5 năm tính từ ngày cấp đến khi trẻ em đó đủ 14 tuổi và không được gia hạn. Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 14 tuổi nếu có đề nghị của cha mẹ thì trẻ em đó được cấp chung vào hộ chiếu quốc gia của cha hoặc mẹ.
Vì vậy, khi đưa trẻ em dưới 14 tuổi đi du lịch nước ngoài bạn có thể lựa chọn làm Hộ chiếu quốc gia cho trẻ em hoặc làm chung vào hộ chiếu quốc gia của cha hoặc mẹ của trẻ em đó.
Trân trọng!
Luật sư-Thạc sỹ luật học Phạm Thành Tài
- Giám đốc Công ty luật Phạm Danh – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
ĐC: Tầng 1, Nhà C, Đền Lừ 1, quận Hoàng Mai, HN.
ĐT: 04.36342301/0913378662 - 0904883477
Email: pttailawyer@yahoo.com/luatphamdanh@gmail.com
Web: http://luatphamdanh.net/luatsuhonnhan.com