CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
ĐƠN KHỞI KIỆN
Kính gửi: Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Tôi tên là : Phạm Vũ, thường trú tại:..... huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Là người khởi kiện.
Người bị kiện: Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng
Nay tôi làm đơn này yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Trọng bồi thường oan cho tôi theo luật bồi thường nhà nước vì đã khởi tố, bắt giam oan tôi. Tôi xin trình bày lại nội dung vụ việc như sau:
Ngày 20-4-2006, tôi bị công an huyện Đức Trọng khởi tố bị can về tội Cố ý gây thương tích. Ngày 15-5-2006, tôi bị công an huyện Đức Trọng bắt tạm giam. Đến ngày 21-9-2006, tôi được tại ngoại với lí do thay đổi biện pháp ngăn chặn. Đến ngày ngày 7-6-2010, tôi nhận được quyết định đình chỉ bị can đề ngày 5-5-2010 của công an huyện Đức Trọng với lí do: “Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.
Ngay sau đó tôi làm đơn khiếu nại và yêu cầu bồi thường oan. Ngày 28-6-2010,Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Trọng mời tôi lên để giải quyết việc bồi thường oan và yêu cầu gia đình tôi kê khai các chi phí yêu cầu bồi thường oan theo qui định của pháp luật.
Ngày 9-6-2010, tôi làm đơn yêu cầu VKSND huyện Đức Trọng phải tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường oan cho tôi theo Luật bồi thường nhà nước với tổng số tiền là 560.800.000 đồng( năm trăm sáu mươi triệu tám trăm ngàn đồng). Đó là tiền thiệt hại về danh dự và vật chất.
Ngày 20-7-2010, VKSND huyện Đức Trọng mời gia đình tôi đến thương lượng. Thế nhưng Viện kiểm sát chỉ chấp nhận bồi thường oan là 77.823.000( bảy mươi bảy triệu tám trăm hai mươi ba ngàn). Mức bồi thường oan này là thấp hơn so với luật bồi thường nhà nước nên gia đình tôi không đồng ý. ( Viện xác nhận tôi làm thợ điện với số tiền 150 ngàn /ngày nhưng khi tính bồi thường cho tôi thì chỉ 33 ngàn đồng/ngày cho tiền tổn thất tinh thần.
Đây cũng mới chỉ là khoản tổn thất tinh thần mà viện chưa tính tiền tổn thất về vật chất theo luật. Tôi bị giam 139 ngày nhưng viện cũng không tính một ngày bị giam bằng 3 ngày tại ngoại theo đúng luật). Sau đó Viện kiểm sát huyện Đức Trọng im lặng không nói rõ đây buổi thương lượng sau cùng mà cứ ậm ờ nói sẽ thương lượng thêm.
Sau đó gia đình tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại yêu cầu VKSND huyện Đức Trọng phải tổ chức xin lỗi công khai và bồi thương oan cho tôi theo qui định.
Ngày 30-8-2010, VKSND huyện Đức Trọng có quyết định trả lời khiếu nại của gia đình tôi là tiếp nhận đơn của gia đình tôi và cho biết do việc thương lượng bồi thường giữa gia đình tôi và Viện kiểm sát huyện chưa đi đến thống nhất nên sẽ tổ chức xin lỗi công khai khi có quyết định bồi thường.
Ngày : 24-9-2010 tôi nhận được quyết định kết thúc thương lượng của VKSND huyện Đức Trọng.với mức bồi thường oan cho tôi là: 77.823.000 ( bảy mươi bảy triệu tám trăm hai mươi ba ngàn đồng).Với mức bồi thường này là quá thấp và không đúng theo luật bồi thường nhà nước, nên tôi không đồng ý.
Nay tôi chính thức kiện VKSND huyện Đức Trọng ra tòa án nhân dân huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng để yêu cầu VKSND huyện phải bồi thường những khoản tổn thất theo luật bồi thường nhà nước như sau:
Xét thấy, trường hợp của tôi được bồi thường oan theo luật bồi thường nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Do đó, căn cứ vào luật này, tôi đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Trọng giải quyết bồi thường oan cho tôi những khoản như sau:
1. Khôi phục danh dự: Căn cứ vào Điều 51 Luật bồi thường nhà nước, tôi yêu cầu VKSND huyện Đức Trọng phải cải chính, xin lỗi công khai tại nơi cư trú của tôi.( Xin lỗi công khai tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) . Đăng báo xin lỗi công khai trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương( Báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh) trong ba kỳ liên tiếp.
2. Bồi thường vật chất và tinh thần: Theo điều 46, 47 Luật bồi thường nhà nước thì:
- Về vật chất: Tôi bị giam 126 ngày x 3= 378 ngày. Tôi bị khởi tố bị can 1498 ngày ( khởi tố bị can ngày 20-4-2006, đình chỉ bị can ngày 5-5-2010 nhưng đến ngày 7-6-2010 tôi mới nhận được quyết định đình chỉ bị can). Tổng cộng tôi được bồi thường oan: 1876 ngày.
1876 ngày x 150.000/ ngày = 281.400.000( hai trăm tám mươi mốt triệu bốn trăm ngàn đồng).
150.000/ngày là số tiền trung bình một ngày công của nghề điện cơ mà tôi làm được trước khi bị bắt.
- Về tinh thần: Theo điều 47 Luật bồi thường nhà nước thì số tiền bồi thường về tinh thần cho tôi cũng bằng số tiền bồi thường về vật chất mà tôi được hưởng. Tức bằng 281.400.000( hai trăm tám mươi mốt triệu bốn trăm ngàn đồng).
-
- Ngoài ra còn nhiều khoản chi phí khác như đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tâm thần tại thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai do bị ảnh hưởng về việc bị bắt giam oan là: không quá 30 tháng lương tối thiểu theo Khoản 4 điều 47 Luật bồi thường nhà nước. Tôi tính mức thiệt hại là 20 tháng lương của tôi . Một ngày thu nhập tôi là 150 000 đồng ( tính theo mức mà VKSND huyện đã chấp nhận). Do đó, một tháng thu nhập của tôi là 4,5 triệu đồng. 20 tháng lương là 90 triệu
Như vậy, tổng cộng số tiền mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Trọng phải bồi thường oan cho tôi là: 652.800.000 đồng( sáu trăm năm mươi hai triệu tám trăm ngàn đồng).
Nay tôi làm đơn này khởi kiện này đề nghị tòa buộc VKSND huyện Đức Trọng phải xin lỗi công khai và bồi thường cho tôi đúng theo qui định của pháp luật.
_ Và báo pháp luật đã đăng tin ngày 20/9/2010 :
VKS chỉ chấp nhận bồi thường hơn 70 triệu đồng, đương sự không đồng ý, cho rằng VKS bồi thường không đúng quy định.
Anh Phạm Vũ ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) vừa nộp đơn kiện yêu cầu VKSND huyện bồi thường oan hơn 600 triệu đồng vì bị cơ quan này phê chuẩn lệnh khởi tố, bắt giam oan anh. Đây được xem là một trong những vụ đầu tiên người bị oan đòi bồi thường theo Luật Bồi thường nhà nước.
Đình chỉ vì hết thời hạn
Theo kết luận điều tra tháng 8-2007 của Công an huyện Đức Trọng, tối 10-10-2005, em trai Vũ đến một quán cà phê gần nhà, bị một nhóm thanh niên chém gây thương tích. Sau đó, Vũ cùng hai người bạn đi tìm nhóm người kia để trả thù. Nghi ngờ một trong hai người đang đứng gần nhà là thủ phạm, Vũ cùng bạn xông vào tấn công khiến một người bị thương tật 12%. Tháng 4-2006, công an huyện ra quyết định khởi tố, tạm giam Vũ hơn bốn tháng về tội cố ý gây thương tích.
Hết hạn tạm giam, anh Vũ trở về nhà và liên tục gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để kêu oan. Mãi đến tháng 9-2008, VKSND huyện mới có công văn trả lời nhưng không xác định rằng anh Vũ bị oan.
Một thời gian sau, VKSND tỉnh Lâm Đồng có công văn cho anh Vũ biết thêm sau khi bị trả hồ sơ, công an huyện đã điều tra lại để xác định những đối tượng tham gia đánh nhau. Tuy nhiên, do các đối tượng này đã bỏ trốn nên ngày 21-10-2007, công an huyện đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra.
Anh Vũ lại khiếu nại. Đến bốn năm sau, ngày 5-5-2010, anh Vũ đã nhận được quyết định đình chỉ bị can của Công an huyện Đức Trọng với lý do: “Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện hành vi phạm tội”.
Kiện đòi bồi thường oan
Nhận được quyết định đình chỉ, đầu tháng 6, anh Vũ làm đơn yêu cầu VKSND huyện Đức Trọng phải xin lỗi công khai tại địa phương, bồi thường oan cho anh hơn 600 triệu đồng do cơ quan chức năng đã bắt giam oan anh hơn bốn tháng buột anh làm bị can hơn bốn năm.
Ngày 20-7, VKSND huyện Đức Trọng mời gia đình anh Vũ đến thương lượng bồi thường oan. VKS đưa ra mức bồi thường tổn thất tinh thần cho anh Vũ là một ngày bị khởi tố bằng một ngày lương tối thiểu là 33.000 đồng. Tiền bồi thường tổn thất vật chất cho anh Vũ là một ngày bị giam bằng một ngày công lao động là 150.000 đồng.
Theo đó, anh Vũ làm bị can hơn bốn năm được bồi thường tinh thần hơn 50 triệu đồng, tổn thất vật chất là hơn 20 triệu đồng.
Anh Vũ cho rằng mức tiền bồi thường oan quá thấp. Trước đó, VKS đã chấp nhận tiền công anh làm được là 150.000 đồng/ngày nhưng khi bồi thường tiền tổn thất tinh thần lại tính có 33.000 đồng/ngày là không đúng. Hơn nữa, VKS cũng không chịu tính một ngày bị tạm giam bằng ba ngày tại ngoại... Do đó, anh Vũ tiếp tục khiếu nại, đòi xin lỗi công khai và bồi thường oan đúng luật.
Ngày 30-8, VKSND huyện Đức Trọng ra quyết định giải quyết khiếu nại cho biết việc thỏa thuận bồi thường oan chưa được thống nhất nên chưa thể xin lỗi công khai người bị oan.
Không đồng ý, anh Vũ đã nộp đơn kiện VKSND huyện Đức Trọng đến TAND huyện này để yêu cầu được bồi thường oan theo đúng luật. Cụ thể, anh Vũ đòi VKS phải bồi thường về tổn thất tinh thần hơn 300 triệu đồng và hơn 300 triệu đồng bồi thường tổn thất vật chất.
- Vậy đơn yêu cầu bồi thường của tôi đã phù hợp với điều 20 và 21 trong bộ luật BTNN hay chưa? có phải sửa lại nội dung gì không ?
Vì trong luật BTNN về khoản bồi thường vật chất và tinh thần cũng chỉ ghi chung chung chứ không qui định rõ ràng.
Xin chân thành cảm ơn!