Xin chào anh nbaothy
Trong lúc chờ đợi chị Thúy Khanh phản hồi thì QQ xin trả lời anh như sau:
Với lý do "không hợp tính cách của nhau" mà chị làm đơn yêu cầu xin ly hôn thì rất khó để Tòa thụ lý và giải quyết anh ạ.
Bởi theo quy định của pháp luật thì
Điều 89. Căn cứ cho ly hôn.
1. Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn.
Với lý do đó thì QQ thấy rất khó để Tòa án thụ lý đơn và giải quyết việc ly hôn anh ạ. ( trừ khi anh chị thuận tình ly hôn).
Về vấn đề con cái thì QQ cũng xin tư vấn thế này!
Về nguyên tắc chung con dưới 36 tháng tuổi thì sẽ giao cho mẹ chăm sóc.
Còn con trên 36 tháng tuổi thì Tòa sẽ xem xét và căn cứ vào những điều kiện nào tốt nhất phù hợp nhất đảm bảo cho sự phát triển về mọi mặt cho các cháu để quyết định ai là người nuôi con và ai là người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Anh có thể tham khảo một số điều luật để biết cụ thể :
Điều 90. Thuận tình ly hôn (Mục 9 NQ 02/2000)
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thỏa thuận được hoặc tuy có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án quyết định.
Điều 91. Ly hôn theo yêu cầu của một bên (Mục 10 NQ 02/2000)
Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án xem xét, giải quyết việc ly hôn.
Điều 92. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn (Mục 11 NQ 02/2000)
1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Điều 93. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.
Điều 94. Quyền thăm nom con sau khi ly hôn
Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.
Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Chúc anh sớm giải quyết được vấn đề!
thân!
Cập nhật bởi KhacDuy25 ngày 27/07/2012 08:07:06 CH