Đối với trường hợp của bạn, mình xin chia sẻ thông tin như sau:
Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập được hỗ trợ đào tạo theo quy định tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP. Theo đó, một trong những điều kiện đào tạo là cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.
Tại Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định về đền bù chi phí đào tạo theo các trường hợp sau:
“…
1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.
2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.
3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.”
Theo thông tin bạn đề cập, viên chức nghỉ việc vào năm 2022 sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, như vậy, có thể xét viên chức đã bỏ việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết, thuộc trường hợp đền bù chi phí đào tạo theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP.
Về chi phí đền bù được xác định theo các yếu tố tại Điều 8 Nghị định 101/2017/NĐ-CP
“…
- F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học;
- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;
- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.
…”
Như vậy, khi tính chi phí đền bù, cần xác định thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học và thời gian đã phục vụ sau đào tạo phục vụ sau đào tạo được hiểu là thời gian công tác sau khi hoàn thành khóa học, đào tạo.
Đối với thời gian đào tạo liên thông lên đại học từ năm 2006 – 2010, thời gian phục vụ sau đào tạo được tính từ tháng kế tiếp năm 2010 sau kết thúc đào tạo đến năm 2017, tạm tính là 7 năm.
Năm 2018, viên chức được hỗ trợ đào tạo sau đại học hai năm, như vậy thời gian phục vụ sau đào tạo được được xác định từ năm 2020 đến năm 2022 khi viên chức bỏ việc, tạm tính là 3 năm
Viên chức được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục. Do đó, thời gian công tác của viên chức được tính từ năm 2006 – 2022 là 17 năm, trong đó thời gian đào tạo là 7 năm, thời gian cam kết phục vụ sau đào tạo là 10 năm (do đơn vị không cam kết cụ thể nên lấy theo thời gian luật quy định ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo).
Theo quy định về điều kiện được giảm chi phí đền bù tại Điều 9
“Mỗi năm công tác của cán bộ, công chức, viên chức (không tính thời gian tập sự và thời gian công tác sau khi được đào tạo) được tính giảm 1% chi phí đền bù. Trường hợp là nữ hoặc là người dân tộc thiểu số thì mỗi năm công tác được tính giảm tối đa 1,5% chi phí đến bù.”
Thời gian công tác của cán bộ, công chức, viên chức khi xem xét điều kiện giảm mức đền bù chi phí đào tạo là thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị nhưng không tính thời gian công tác sau khi được đào tạo. Do đó, chỉ xét điều kiện giảm chi phí đền bù cho thời gian viên chức được cử đi đào tạo là 7 năm như trên, không xét đến thời gian công tác sau đào tạo.